Bán đất xây nhà, mua xe
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi trở lại các xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) để tìm hiểu thực hư việc bà con đồng bào dân tộc thiếu số nơi đây ồ ạt rao bán, sang nhượng đất 04, thứ được ví như “chiếc cần câu” để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng khó khăn.
Có mặt tại xã La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc, nơi đang được xem là “điểm nóng” của tình trạng đất 04 bị rao bán, nhiều hộ đồng bào nơi đây đang hối hả xây những căn nhà mới do có tiền từ việc bán đất. Đứng trước căn nhà đang dần hình thành, ông P’rông Ngôn (68 tuổi, ở xã La Dạ) cho biết, ông vừa bán 5 sào đất (trước đây được nhà nước giao) cho một người ở nơi khác với giá 200 triệu đồng. Sau khi bán đất, ông liền xây căn nhà để dưỡng già. Khi được hỏi sao không giữ lại đất để sản xuất lo cho 7 người con của mình, người đàn ông này chỉ cười và cho rằng mình già rồi, không làm được nữa thì bán, các con thì ai nấy tự lo.
Cũng tại xã La Dạ, hộ anh K’Thắng đã quyết định bán 1,1ha đất 04 cho một người ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) với giá 600 triệu đồng. Bán được đất, anh K’Thắng bỏ ra 350 triệu đồng để xây căn nhà rộng chừng 120m2. Số tiền còn lại, anh trả nợ, mua xe máy cho con, sắm vật dụng trong gia đình.
“Thấy người ta có nhà mới, giá đất tăng cao mình cũng ham nên bán đất. Giờ tiền bán đất cũng hết rồi. Mấy đứa con của mình giờ đang đi làm thuê, làm mướn cho người ta”, anh K’Thắng thổ lộ.
Theo ông Xim Miên, Chủ tịch UBND xã La Dạ, đến nay, xã đã phát hiện 9 hộ có hành vi sang nhượng đất 04 trái phép với diện tích trên 8,4ha. Nguyên nhân chính của việc này là do tình trạng sốt đất, nhiều nhà đầu cơ đổ về tìm mua nên bà con thấy cái lợi trước mắt mà bán đất. Hiện tình trạng sang nhượng loại đất này trong xã vẫn có dấu hiệu tiếp diễn, chính quyền xã đang tiếp tục xác minh.
“Việc mua bán, sang nhượng đất 04 làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý đất đai của địa phương, trong tương lai bà con bị giảm diện tích đất sản xuất, không còn thu nhập do mất tư liệu sản xuất. Một số hộ trong xã đã bán đất để lấy tiền làm nhà, giờ không biết lấy gì để sinh sống, làm ăn”, ông Xim Miên nhận định.
Siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết, đến nay, tổng diện tích đất 04 sản xuất được cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện là hơn 728ha với 742 hộ. Thời gian qua, huyện đã phát hiện 11 hộ tự ý sang nhượng đất 04 trái phép diện tích gần 10ha, tất cả đều giao dịch mua bán bằng giấy tay.
“Ngoài việc tăng cường nhiều biện pháp để chấm dứt tình trạng sang nhượng đất 04, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn không tiếp nhận xử lý các hồ sơ giao dịch mua bán loại đất này dưới mọi hình thức”, ông Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tình trạng sang nhượng đất 04 không chỉ xảy ra tại huyện Hàm Thuận Bắc, mà còn ở nhiều nơi trong tỉnh như: xã Phong Phú (huyện Tuy Phong); xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam); xã Tân Hà (huyện Hàm Tân)… Thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến nay, tổng diện tích đất 04 bị mua bán, sang nhượng là 720,84ha với 650 hộ. Trong đó, một số địa phương có diện tích đất bán chiếm tỷ lệ trên 10% hầu hết là đất 04.
Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy đề xuất Chính phủ cần có chính sách quản lý đất đối với diện tích đất do Nhà nước cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, quy định cụ thể đất đã giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thì không được sang nhượng, dẫn đến thiếu diện tích đất sản xuất, nghèo đói, phải phá rừng làm rẫy, di canh di cư.
UBND tỉnh cũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đất đai, rà soát xây dựng phương án sử dụng đất, quản lý chặt chẽ diện tích đất được Nhà nước cấp, không để bà con đồng bào sang nhượng, bán đất dưới mọi hình thức.