Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (Ban chỉ đạo 389), TPHCM có 383 DN sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó, 63 DN chỉ hoạt động thương mại, 47 DN có trụ sở và sản xuất tại TPHCM, còn lại là DN trụ sở ở TPHCM nhưng sản xuất ở địa phương khác hay hợp đồng thuê gia công ở đơn vị khác. 6 tháng đầu năm 2018, ngành chức năng kiểm tra 72 trường hợp, phát hiện 28 trường hợp vi phạm hành chính, 5 trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Trao đổi với phóng viên, một đơn vị sản xuất phân bón nổi tiếng (xin được giấu tên) cho hay sản phẩm của DN mình cũng bị nhái. Tuy nhiên, nếu đơn vị công khai thì không khéo sẽ bị nông dân hiểu lầm, tẩy chay sản phẩm (do không có thông tin để phân biệt hàng thật và hàng nhái). Theo DN này, hiện nay những cơ sở làm nhái hàng rất tinh vi, với bao bì gần giống sản phẩm thật. Đã vậy, họ còn trích “hoa hồng” cho các đại lý rất cao nên hàng của họ bán rất chạy.
Theo ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, hàng năm hội đều đi cùng với lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, nhằm kịp thời phát hiện và khuyến cáo nông dân về những nơi bán phân bón kém chất lượng. Thế nhưng, giải pháp căn cơ hơn là nông dân nên mua phân bón qua hợp tác xã (HTX). HTX nên lưu mẫu để khi xảy ra sự cố có căn cứ khiếu nại người bán hàng.
Đồng tình với ý kiến giao cho HTX phân phối phân bón đến tay người nông dân, nhưng DN giấu tên ở trên đề nghị Nhà nước cần quản lý chặt các HTX, lúc đó DN mới yên tâm cung cấp hàng. Trước đây, DN từng đưa phân bón đến HTX để phân phối cho các thành viên, nhưng có không ít HTX vẫn còn làm theo kiểu gia đình, thiếu trình độ chuyên môn nên không thể điều hành hiệu quả. Thậm chí, không ít HTX còn cố tình nợ tiền mua phân bón với lý do phải chờ nông dân thu hoạch sản phẩm mới có tiền trả. Trong khi thực tế thì lại khác, HTX nhận tiền từ nông dân rồi gửi ngân hàng, thậm chí có HTX “xài” hết tiền rồi tuyên bố ngưng hoạt động để “xù” tiền DN cung ứng vật tư.
Theo Ban chỉ đạo 389 TPHCM, các công ty sản xuất, buôn bán phân bón giả, nhái thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, không sản xuất tập trung, mỗi nơi làm một khâu nhằm đối phó với ngành chức năng. Ban chỉ đạo 389 TPHCM kiến nghị chỉ những DN đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, máy móc, hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng phân bón thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép cho sản xuất. Đồng thời, công bố công khai các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sang chiết và đóng gói phân bón; chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và các loại phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam trên trang điện tử của Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT).
Nhắc đến phân bón giả, phân bón nhái hay kém chất lượng, nông dân Nguyễn Văn Trung (huyện Bình Chánh) cho hay bà con dễ bị lừa bởi sản phẩm phân bón có nhãn mác tiếng nước ngoài, bởi suy nghĩ đơn giản rằng tiếng nước ngoài là hàng nhập khẩu, chắc là tốt (?!). Đó là chưa kể, phân bón mua về không thể biết ngay thật hay giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng, mà phải vài tháng sau khi bón cây mới biết được. “Không ít lần, tôi mua phân bón có nhãn mác tiếng nước ngoài, khi phát hiện kém chất lượng, mang ra cửa hàng bán phân bón phản ánh thì được giải thích sản phẩm có đầy đủ giấy tờ từ nhà cung cấp, chứ họ cũng không biết chất lượng như thế nào”, ông Trung bức xúc. |