Thiệt hại lớn
Ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, cho biết hàng tháng công ty ông phải nhập khẩu khoảng 3.500 - 4.000 tấn giấy loại thu hồi, tương đương khoảng 160 - 180 container.
Nhưng từ khi thực hiện công văn số 3738 của Tổng cục Hải quan, riêng chi phí lưu container, lưu bãi, doanh nghiệp (DN) đã phải trả hơn 4 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đồng/tấn giấy thu hồi nhập khẩu và còn tiếp tục phát sinh.
Ngoài ra, việc thông quan chậm trễ còn gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất buộc các DN phải giảm công suất hoặc tạm ngưng sản xuất, cũng như đẩy giá giấy thu hồi trong nước tăng cao (hơn 1 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng 1 tháng) do hiện tượng tranh mua giữa các DN.
Số liệu thống kê mới nhất của các DN hội viên VPPA cho thấy, DN đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tiền lưu container, lưu kho. Tình hình sản xuất của các DN giấy trong và ngoài hiệp hội cũng giảm nhiều trong những tháng gần đây.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) Nguyễn Ngọc Sang, ngành giấy khan hiếm và tăng giá đang khiến lĩnh vực bao bì cũng tăng theo, đặc biệt đang lúc cao điểm sản xuất hàng hóa mùa tết cận kề.
“Việc tranh mua giấy phế liệu đang “nóng” lên, đặc biệt là những DN lớn của Trung Quốc ra sức thu gom bằng mọi giá, đang làm ngành giấy bao bì xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của DN trong nước.
Đã thế, lợi dụng việc siết phế liệu nhập khẩu, ngoài tiền lưu kho lưu bãi, đang có hiện tượng DN phải chi “phí bôi trơn” để được thông quan khiến giá giấy càng bị đội lên cao”, ông Nguyễn Ngọc Sang nói.
Con sâu làm rầu nồi canh
Ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký VPPA, cũng cho biết việc tranh mua tranh bán nguyên liệu giấy ngày càng căng thẳng và phần thắng dần nghiêng về các DN Trung Quốc, DN FDI, vì họ có khả năng tăng giá nhiều lần để giành đơn hàng.
Trong khi đó, DN giấy trong nước chủ yếu là DN vừa và nhỏ, không thể đủ sức cạnh tranh và rất khó mua loại giấy này về sản xuất. Nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, rất có thể ngành sản xuất giấy bao bì sẽ hoàn toàn là “sân chơi” của DN Trung Quốc, DN FDI, không còn DN trong nước.
“Trong ngành giấy bao bì cũng có những DN lợi dụng để nhập khẩu chất thải nguy hại. Nhưng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, đa số DN còn lại đều làm ăn chân chính, nhập đúng chủng loại và đáp ứng các quy định của pháp luật. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp cho những DN nhập khẩu giấy phế liệu được sớm thông quan và tiếp tục cho nhập khẩu theo quy định để đảm bảo sản xuất, ổn định thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Sang đề nghị.
Theo ông Đặng Văn Sơn, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Thế giới từ lâu đã công nhận tái chế giấy (sử dụng các loại giấy đã dùng, bao gồm giấy loại hoặc bìa loại thu hồi để tái chế thành các sản phẩm giấy như giấy tiêu dùng và giấy bao bì) là hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và không coi giấy thu hồi là phế liệu…
Nhiều nước phát triển cũng đã có những chính sách hỗ trợ việc thu gom, tái chế giấy và không coi giấy đã qua sử dụng dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy tái chế là giấy phế liệu (waste paper), mà gọi là giấy thu hồi (recovered paper) và không quản lý mặt hàng này như tất cả các loại phế liệu khác.
Liên quan đến các kiến nghị của VPPA và VINPAS gửi hồi tháng 7, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết đã kiến nghị với Thủ tướng về vấn đề siết nhập khẩu phế liệu.
Bởi việc siết nhập khẩu một số loại phế liệu để bảo vệ môi trường là đúng, nhưng có rất nhiều loại phế liệu thực sự là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất mà không gây ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có giấy loại phế liệu để sản xuất bao bì.
Cả nước hiện có khoảng 300 DN ngành giấy với năng lực sản xuất đạt khoảng 200.000 tấn bột giấy mỗi năm, nhưng không có DN sản xuất bột thương phẩm lớn. Do đó, các DN sản xuất giấy không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm. Năm 2017, cả nước đã nhập gần 1,5 triệu tấn giấy thu hồi các loại làm nguyên liệu sản xuất. Dự kiến trong 5 - 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành là 14% - 18 %/năm. |