Khó khăn bủa vây
Mặc dù ngành bao bì - giấy và nhựa đã làm nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính nhập khẩu nguyên liệu là phế liệu để phục vụ sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Do vậy, hàng loạt khó khăn, tổn thất hiện đang bủa vây các doanh nghiệp (DN) trong ngành này.
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (PVA) Hồ Đức Lam cho biết với khoảng 5.000 container hàng đang kẹt ở cảng, mỗi container trị giá ít nhất 10.000 USD, chi phí lưu container phải trả cho hãng tàu khoảng 50 - 100 USD/ngày, cộng với thiệt hại do sản xuất ngưng trệ, không giao đủ và đúng tiến độ cho khách hàng... khiến nhiều DN đang điêu đứng, thậm chí nguy cơ phá sản nếu tình hình này kéo dài.
Tương tự, theo Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) Đặng Văn Sơn, việc siết nhập khẩu giấy loại thu hồi đã gây thiệt hại nhiều đến ngành giấy vì hiện DN đang phải nhập khẩu 100% giấy loại thu hồi làm nguyên liệu sản xuất bao bì.
Ảnh: THÀNH TRÍ
Ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Hoàng Nguyên, quận Bình Tân, TPHCM, than vãn: “Chúng tôi đã ký hợp đồng cung ứng cho cả năm 2018 nhưng hiện không có hàng để giao do thiếu nguyên liệu sản xuất, nguồn nhựa tái chế trong nước không sử dụng được do chất lượng kém. Khả năng chúng tôi sẽ phải đền hợp đồng vì không có hàng giao cho đối tác, nếu muốn giao hàng thì phải dùng nhựa nguyên sinh và chấp nhận lỗ 10% thay vì lãi 10% nếu sử dụng nhựa tái chế”.
Đại diện một số DN ngành bao bì - giấy cũng bức xúc trước việc giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu đã hết hạn hơn 3 tháng nay nhưng vẫn chưa được cấp lại. Hệ quả là hoạt động sản xuất của nhiều DN đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không duy trì được lượng sản phẩm đầu ra ổn định, đồng thời khả năng kéo theo các hệ lụy như cắt giảm nhân công, mất thị phần, thậm chí phải ngừng hoạt động.
Cân nhắc, phân loại phế liệu
Nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do gần đây nhiều container nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định đăng ký nhập khẩu.
Chủ trương của nhà nước là không đánh đổi kinh tế lấy hủy hoại môi trường. Các DN cũng đồng tình với chủ trương này, nhưng đề nghị nhà nước cần có giải pháp cho những DN làm ăn chân chính, có giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Trên thực tế, nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. 10 năm qua, ngành nhựa tăng trưởng 15% - 20%/năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu là trở ngại lớn cho các DN, đặc biệt nếu không có nguồn nguyên liệu từ nhựa phế liệu pha trộn với hạt nhựa nguyên sinh để giảm giá thành sản phẩm thì không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Còn theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam ước tính sơ bộ, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu, trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước trước khi đưa vào phân loại và xử lý, còn lại phải nhập khẩu.
Dự kiến năm 2018, lượng thu gom giấy trong nước chỉ đạt 1.405 ngàn tấn, lượng nhập khẩu là 2.190 ngàn tấn, nhập khẩu giấy phế liệu đến năm 2025 dự kiến sẽ tăng khoảng 9.000 ngàn tấn. Do vậy, việc các cơ quan chức năng siết chặt nhập khẩu phế liệu khiến hàng ngàn container nguyên liệu giấy thu hồi nhập về Việt Nam bị ách tắc. Điều này làm tăng chi phí của DN, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu nguyên liệu, gây lãng phí cho DN và cho xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế như chủ trương siết nhập khẩu hiện nay, chắc chắn sẽ khiến các DN như ngành bao bì - giấy và nhựa lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành.
Mặt khác, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến DN lâm vào thế bị động. Bởi nhà máy cần vận hành hàng ngày nhưng nguyên liệu cần lại không thể đến, khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu.
Vì vậy, song song với chính sách siết nhập khẩu phế liệu, Chính phủ nên tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn phế liệu tái chế đang nhập khẩu vào Việt Nam để được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư các giải pháp công nghệ, kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng hoặc tạo sản phẩm sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống.
Việc nhập khẩu giấy loại thu hồi khiến việc tranh mua tranh bán loại nguyên liệu này ngày càng căng thẳng, phần thắng dần nghiêng về các DN FDI vì họ có khả năng tăng giá nhiều lần để giành đơn hàng. DN giấy trong nước chủ yếu là DN vừa và nhỏ, không thể đủ sức cạnh tranh và rất khó mua loại giấy này về sản xuất. Do vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, rất có thể ngành sản xuất giấy bao bì sẽ hoàn toàn là “sân chơi” của DN FDI, không còn DN trong nước - ông Đặng Văn Sơn chia sẻ. |