Siết lại kỷ cương trong đảm bảo an toàn lao động

Vụ nổ lò hơi vừa xảy ra tại tỉnh Đồng Nai (làm 6 người chết, 5 người bị thương) diễn ra ngay trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), không còn là sự cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ). Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến về giải pháp siết lại kỷ cương trong đảm bảo ATVSLĐ.

* Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH LÊ VĂN THANH, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương: Làm rõ nguyên nhân để xử lý, không để tái diễn

Anh3-Ông-Lê-Văn-Thanh.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh

Sau khi xảy ra vụ nổ lò hơi ở tỉnh Đồng Nai, Bộ LĐTB-XH đã có công văn yêu cầu Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai thực hiện ngay các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân để phòng ngừa TNLĐ tái diễn.

Đối với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, Bộ LĐTB-XH yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng này; khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, giải quyết các chế độ, chính sách cho người bị nạn và thân nhân.

Để siết lại kỷ cương trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương và các thành viên chọn tháng 5 để phát động trên toàn quốc thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ chủ đề: “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Theo kế hoạch, Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ, Công ty cổ phần cảng Hải Phòng, Công ty TNHH Honda Việt Nam, Công ty TNHH Optrontec Vina, Công ty Thuốc lá Thăng Long. Tại các địa phương, cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cao.

Song song đó, các doanh nghiệp cần coi việc đảm bảo an toàn cho người lao động là trách nhiệm quan trọng, bên cạnh yêu cầu về tiền lương, năng suất. Các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, rà soát nhà máy, công trường, thiết bị công nghệ để nhận diện rõ nguy cơ xảy ra mất ATLĐ và triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn.

* TS NGUYỄN ANH THƠ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động: Tăng cường thanh tra lao động

Anh1-TS-Nguyen_Anh_Tho.jpg
TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động

Tình trạng mất ATLĐ thời gian gần đây có chiều hướng đáng lo ngại, số vụ TNLĐ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra với tần suất liên tục. Theo tôi, bên cạnh ý thức của doanh nghiệp (người sử dụng lao động) thì vai trò của thanh tra lao động cũng rất quan trọng để bắt buộc doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay, cách thức thanh tra, kiểm tra của chúng ta còn rườm rà, chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Chẳng hạn ở nhiều nước, họ đến thanh tra mà không báo trước, nếu thấy không đảm bảo an toàn cho người lao động thì yêu cầu chủ doanh nghiệp phải khắc phục và báo cáo ngay (trong thời gian 3 ngày quay lại). Họ ít khi kiểm tra hồ sơ như ở nước ta và cũng không cần phải gặp lãnh đạo công ty. Còn công tác thanh tra của ta là thành lập đoàn, còn nặng thanh tra về hành chính (hồ sơ, báo cáo) mà chưa chú trọng thanh tra thực tế, xem người lao động làm việc trong điều kiện như thế nào. Trên thực tế, có nơi đã huấn luyện ATLĐ rồi nhưng trình độ công nhân có thể chưa đạt, máy móc đã kiểm định nhưng hiện không đảm bảo an toàn… thì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, hỏi người lao động... mới biết có an toàn hay không.

* Bà HỒ THỊ KIM NGÂN, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nêu vấn đề mất an toàn lao động tới đại biểu Quốc hội

Anh2-Ho_Thi_Kim_Ngan.jpg
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐTB-XH vừa phối hợp tổ chức phát động 2 sự kiện trong tháng 5, gồm: Tháng công nhân năm 2024 và Tháng hành động về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Mục đích nhằm lập lại trật tự về ATLĐ, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức và hành động đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Trong tháng 5, sẽ có nhiều chương trình, cuộc thi tìm hiểu và đối thoại về ATLĐ để người lao động hiểu được những kỹ năng đảm bảo ATLĐ. Tổ chức công đoàn sẽ cùng doanh nghiệp tổ chức hoạt động huấn luyện ATLĐ để người lao động có thể thao tác được các kỹ năng, xử lý khi gặp các tình huống, sự cố không đảm bảo ATLĐ hoặc nguy hiểm.

Năm nay, Công đoàn Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri tại mỗi địa phương để các đại biểu Quốc hội có thể lắng nghe ý kiến, đề xuất của người lao động về các vấn đề, trong đó có vấn đề ATLĐ, phục vụ cho quá trình xây dựng luật. Tại các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở sẽ tăng cường đối thoại với người sử dụng lao động về tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, đặc biệt là yêu cầu các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động.

Bình Dương và Đồng Nai: Hàng chục người chết vì tai nạn lao động mỗi năm

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ khiến 12 người chết. Còn trong năm 2023, ở tỉnh Đồng Nai xảy ra 910 vụ TNLĐ làm 930 người bị nạn, trong đó có 28 người chết, 211 người bị thương nặng. Trong đó, lỗi do người sử dụng lao động chiếm 42%, do người lao động chiếm 58%.

Trong khi đó, địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp và đông công nhân nhất cả nước. Theo thống kê của Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 900 vụ TNLĐ, làm 28 người chết và 128 người bị thương, thiệt hại hơn 8,7 tỷ đồng. TNLĐ chủ yếu do máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn, thợ vận hành máy móc và tập trung ở các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày.

XUÂN TRUNG - HOÀNG BẮC

Tin cùng chuyên mục