Siết kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ

Chiều 11-6, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân chủ trì buổi giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ giai đoạn 2022 – 2025 đối với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở TT-TT.

viber_image_2024-06-11_14-58-55-139.jpg
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu mở đầu buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi trao đổi với các sở về công tác liên thông giải quyết thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu; sử dụng tài sản công, sắp xếp khu phố - ấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM đặt vấn đề thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng e dè, sợ sai, ngại phục vụ người dân. Vậy có giải pháp gì để nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, để cán bộ công chức dám nghĩ dám làm, phục vụ người dân tốt hơn?

viber_image_2024-06-11_14-58-44-980.jpg
Đại biểu Lê Minh Đức trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, thời gian qua tinh thần làm việc, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM đã có nhiều chuyển biến. Dù vậy, ông Tân nhìn nhận ở các đơn vị còn số ít cán bộ công chức, viên chức e ngại, không dám làm.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, có việc xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030. Khi đề án này được ban hành sẽ góp phần để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, đồng thời có các biện pháp đánh giá cán bộ, xử lý cán bộ phù hợp.

Sở Nội vụ cũng tham mưu UBND TPHCM tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm nếu áp dụng đúng sẽ góp phần để cán bộ không lơ là trong công việc.

Về quản lý sử dụng tài sản công, Sở Tài chính cho biết, đến nay sở đã nhận 744 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của các đơn vị sự nghiệp công lập, sở đã có ý kiến gửi về các đơn vị. Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài chính mới trình UBND TPHCM 5 đề án và có 4 đề án được UBND TPHCM phê duyệt.

viber_image_2024-06-11_17-44-31-774.jpg
Đại diện Sở Tài chính TPHCM trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Sở Tài chính, quá trình xây dựng góp ý các đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của các đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Trong đó, đề xuất UBND TPHCM vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM và Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, giao nhiệm vụ của Sở Tài chính về việc có ý kiến, thẩm định đề án cho phòng ban chuyên môn trực thuộc sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM và phòng ban chuyên môn thuộc UBND quận, huyện với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương.

Trong khi đó, Sở TT-TT cho biết từ năm 2017 đến nay, Sở TT-TT được UBND TPHCM giao thêm nhiều nhiệm vụ như là cơ quan thường trực triển khai đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn đến năm 2025; đề án 06… Những nhiệm vụ này đòi hỏi sở phải bổ sung nhân sự để hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định là rất khó thực hiện.

viber_image_2024-06-11_17-44-39-958.jpg
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Phạm Quỳnh Anh trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân ghi nhận nỗ lực của Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở TT-TT là những đơn vị chủ lực trong thực hiện chương trình cải cách hành chính của TPHCM.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các sở thực hiện và rà soát các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quyết định của UBND TPHCM, đề xuất điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời mạnh dạn đề xuất UBND TPHCM phân cấp một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở cho UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân.

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng không chỉ giảm đầu mối mà phải tăng tự chủ tài chính của các đơn vị để giảm chi ngân sách. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm chính xác, khách quan, nghiêm túc, công bằng, trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc. Đồng chí đề nghị các sở cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm và tính tự giác trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

viber_image_2024-06-11_14-58-46-795.jpg
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân kết luận buổi giám sát

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nhận xét việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao, chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TPHCM còn rất hạn chế, số lượng tuyển được còn rất ít so với nhu cầu thực tế của TPHCM. Đồng chí đề nghị các sở có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền và thu hút người có tài năng vào làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các nội dung theo Kết luận số 14 của Bộ chính trị và Nghị định số 73 của Chính phủ. Đồng thời, phát động thi đua sáng tạo thêm nhiều các mô hình, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính. Từ đó góp phần giải quyết nhanh chóng hồ sơ cho người dân, giảm phiền hà trong dân, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục