Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM: Xử nghiêm các vụ có tính chất tội phạm trên mạng
Các vi phạm chủ yếu trên không gian mạng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, làm nhục người khác, buôn bán hàng giả, hàng cấm... Công an TPHCM cũng ghi nhận một số vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng rồi hẹn nhau giải quyết, dẫn đến hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...
Vấn đề phòng chống tội phạm trên không gian mạng luôn được Công an TPHCM chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an địa bàn tăng cường rà soát, nắm tình hình. Trong đó, năm 2021, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã tham mưu với Bộ Công an về đề xuất thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Một trong những giải pháp trọng tâm thời gian tới của Công an TPHCM là chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lập án, đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất tội phạm trên mạng. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Công an TPHCM sẽ phối hợp Sở TT-TT TPHCM trong xác minh người lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật, tung tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật. Công an TPHCM cũng làm việc với các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM để phối hợp nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rà soát, kiểm tra, nắm thông tin trên mạng xã hội.
Ngoài ra, để ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân nhận biết tính hai mặt của mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc, tính chất nguy hại đối với cá nhân và xã hội. Đồng thời các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân. Với việc được trang bị kiến thức cần thiết thì người dân có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Ông LÊ VĂN KHÁNH, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Dương: Nâng cấp quy tắc ứng xử thành văn bản pháp quy
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương luôn theo dõi, quản lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trong đó, vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) sử dụng mạng xã hội xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong thời gian dài đã được ngành chức năng tỉnh Bình Dương theo dõi sát, thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để củng cố hồ sơ, tuyên truyền giáo dục. Công an TP Thủ Dầu Một cũng từng mời bà Hằng lên làm việc để răn đe chấn chỉnh, yêu cầu cam kết tuân thủ pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở TT-TT và lực lượng công an lập hội đồng thẩm định đánh giá các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Ngoài ra, tỉnh đang phối hợp với lực lượng chức năng TPHCM để xử lý vụ việc, các cá nhân liên quan nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý triệt để.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý kịp thời những hiện tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do dân chủ, sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện các hành vi trái pháp luật theo tinh thần vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có nhân nhượng. Ngoài ra, để xử lý hiệu quả hơn các hành vi sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật, Sở TT-TT tỉnh Bình Dương đã đề nghị Bộ TT-TT nâng cấp bộ quy tắc ứng xử xã hội lên thành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc thi hành.
Chị VÒNG NGỌC DIỄM MY, ngụ phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM: Nâng “sức đề kháng” cho thanh niên
Để hạn chế tác động tiêu cực từ những trang mạng xã hội, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp để nâng cao “sức đề kháng” cho giới trẻ. Việc sử dụng mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả cũng là điều cần được hướng dẫn. Nhiều bạn trẻ có thể sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày, xem hết nội dung này đến nội dung khác mà không có sự chọn lọc, khiến cuộc sống như chìm đắm trong các nội dung mình xem hàng ngày.
Theo tôi, Đoàn thanh niên, các tổ chức, đơn vị có liên quan cần tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức sử dụng mạng xã hội, từ đó giúp giới trẻ, nhất là học sinh, biết rõ đâu là những trang mạng xấu, độc… để tự tạo ra “bộ lọc” cho bản thân càng sớm càng tốt.
PHẠM THỊ PHƯƠNG MAI, sinh viên năm 4, Trường Đại học Sài Gòn: Tạo vòng bảo vệ an toàn từ các nội dung tốt
Với sự lan truyền chóng mặt của tin tức trên các mạng xã hội hiện nay, việc làm thế nào để giới trẻ có thể nhận diện và đủ sức đề kháng trước các thông tin xấu, độc là rất cần thiết. Để thu hút người trẻ, theo tôi, các trang mạng chính thống, trang thông tin của Thành đoàn, trường học.... cần thêm những từ ngữ đang “trend” (thịnh hành) trong các bài viết tuyên truyền. Trong các bài viết cũng có thể thiết kế hình ảnh vui nhộn, bắt mắt để thu hút người trẻ. Cùng với đó là tổ chức các sân chơi về hùng biện, tranh luận online nhằm nắm bắt tâm lý giới trẻ, từ đó lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các bạn về những vấn đề xã hội để có thông tin phù hợp.
Giới trẻ cũng nên tập thói quen theo dõi các trang mạng chính thống để có nội dung tốt. Khi đã tạo cho mình một vòng bảo vệ an toàn, các bạn sẽ vững vàng hơn trước các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật từ các trang mạng xã hội.