Vẫn còn quá sớm để khẳng định, với các văn bản này, hình thức đầu tư PPP có thể đơm hoa kết trái. Nhưng đây chính là điều kiện cần để khắc phục những nhược điểm đã lộ rõ lâu nay trong triển khai các dự án PPP nói chung, đặc biệt là BOT giao thông nói riêng - vốn chưa bao giờ hết “nóng” suốt từ năm 2017 đến nay.
Theo báo cáo mới phát hành đầu tháng 4 từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, qua theo dõi, giám sát các dự án BOT giao thông từ năm 2017 đến nay, có thể thấy còn khá nhiều nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra.
Chẳng hạn, công tác quyết toán nhiều dự án vẫn chậm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với phương án tài chính nên nhiều hợp đồng dự án BOT phải điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi. Song, cho đến trước khi Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP) được ban hành (ngày 26-3), không có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn quyết toán thu, chi, các thông số tài chính và quyết toán dự án…
Một điều rất đáng quan ngại khác là kết quả giám sát doanh thu thu phí cho thấy, đa số các dự án BOT không đáp ứng được yêu cầu; doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án. Các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. Năm 2018, trong số 53 dự án, chỉ hơn một nửa có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án; có tới 26 dự án có số thu thấp hơn dự kiến (trong đó 1 dự án đã dừng thu; 3 dự án đang tạm dừng thu không đánh giá; 3 dự án mới triển khai thu phí chưa đủ số liệu để đánh giá). Tương tự, năm 2019, trong 53 dự án, số dự án có doanh thu đạt 100% trở lên cũng chỉ là 27; còn lại đều có số thu thấp hơn. Năm 2020, trong 54 dự án thì số dự án thu đạt 100% trở lên là 12; dự án có số thu thấp hơn lên tới 42.
Nhận định về kết quả chưa như mong muốn của các dự án BOT, nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước yếu kém, bắt đầu từ những quy định sơ hở và bất hợp lý, là “thủ phạm” chính. Giả định rằng Luật PPP và các nghị định hướng dẫn vừa ban hành đã cơ bản “trám” xong lỗ hổng pháp lý, thì tới đây, công tác quản lý, giám sát cũng cần đồng thời chấn chỉnh. Trước hết, để người dân tin tưởng và ủng hộ chủ trương thu phí, cần sớm tổng hợp và công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, đúng theo Nghị quyết số 437/ NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT).
Công tác quyết toán dự án, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của các bên theo quy định cũng cần được xúc tiến để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT. Bên cạnh đó, để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn cần kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự và tài sản của nhà đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu cho tất cả các trạm thu phí trên cả nước nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý dự án. Bởi lẽ, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu mới áp dụng cho 6 trong số 66 trạm thu phí mà Tổng cục Đường bộ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, cả nước có hơn 100 trạm thu phí thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương. Rõ ràng, nếu siết chặt đúng chỗ thì cả nhà đầu tư lẫn người sử dụng công trình mới tâm phục khẩu phục, từ đó góp phần thay đổi cách nhìn về các dự án BOT.