Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM, việc “siết” loại hình khám chữa bệnh này có thể tác động đến nguồn thu của các bệnh viện công.
Bệnh nhân đang điều trị tại phòng dịch vụ của một bệnh viện trên địa bàn TPHCM
Hàng loạt quy định mới
Trong dự thảo, Bộ Y tế đề xuất giá trần khám bệnh theo yêu cầu tại Hà Nội và TPHCM là 300.000 đồng/lần; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 250.000 đồng/lần; các tỉnh, thành còn lại tối đa 200.000 đồng/lần. Ở các cơ sở chất lượng cao, mức thu tối đa không quá 2 lần mức nêu trên. Giá giường bệnh từ 300.000 đồng đến tối đa 3 triệu đồng/ngày theo 3 nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng. Như vậy, so với dự thảo cũ, mức giá lần này có điều chỉnh tăng. Trước đó, giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa tại Hà Nội và TPHCM là 200.000 đồng/lần.
Là địa bàn với đặc thù có nhiều công nhân và khu công nghiệp, Bệnh viện Quận Thủ Đức ít chú trọng đến việc đầu tư phòng dịch vụ nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ các quy định trong dự thảo của Bộ Y tế. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức, với quy định không quá 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày, bệnh viện có thể tăng số lượng bàn khám, tuyển dụng thêm nhân sự, đồng thời chia nhiều giờ khám bệnh trong ngày, không nhất thiết trong giờ hành chính mà còn khám ngoài giờ (buổi tối, thứ bảy, chủ nhật) để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Dự thảo cũng quy định tiêu chuẩn khu vực khám chữa bệnh, khu điều trị nội trú, buồng bệnh phải đảm bảo diện tích, các thiết bị y tế. Cụ thể, một bệnh viện đa khoa 500 giường bệnh và có khu vực phòng khám chỉ bố trí dưới 59 chỗ khám thì không được giảm diện tích phòng khám để tổ chức phòng khám theo yêu cầu. Các phòng bệnh phải đảm bảo tỷ lệ một bác sĩ trên 4 giường bệnh và một điều dưỡng trên một giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.
Đối với phòng dịch vụ, dự thảo quy định diện tích phòng phải rộng từ 12m² (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28m² (loại 3 với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như: giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), ôxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế. Phòng điều trị theo yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy lạnh...
Trong dự thảo, Bộ Y tế nhấn mạnh, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phải được tổ chức thành khu riêng. Trường hợp không tổ chức thành khu vực riêng, các cơ sở y tế chỉ được tổ chức dịch vụ khi đáp ứng điều kiện, như mỗi bàn khám không quá 45 bệnh nhân/ngày (khám có bảo hiểm y tế, khám thông thường); không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng theo yêu cầu…
Lo mất bác sĩ giỏi
Trước các quy định mới của dự thảo, nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM khi trao đổi với phóng viên đã bày tỏ sự lo lắng. Theo TS - bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu mỗi ngày một tăng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, bác sĩ của bệnh viện có giới hạn. Nếu thực hiện đúng quy định trong dự thảo là không quá 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày thì sẽ có nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân từ các tỉnh xa, không có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện.
Còn để đáp ứng quy định trên, bệnh viện phải mở thêm các khu khám bệnh để khám dịch vụ, nhưng nếu mở thêm lại vướng quy định về diện tích phòng, trang thiết bị... “Bệnh viện đã quá tải, giờ phải mở rộng diện tích thì là việc bất khả thi. Hơn nữa, khi không đáp ứng được điều kiện trong dự thảo thì phải đóng hết các khu dịch vụ, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công nhân viên và đến khi đó rất khó giữ được bác sĩ, nhân viên giỏi”, TS Phạm Xuân Dũng trăn trở.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho rằng việc mở ra các dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu là rất cần thiết đối với sự phát triển của bệnh viện, hướng tới tự chủ tài chính. Hiện nay, một số người dân có khả năng chi trả các dịch vụ y tế giá cao, họ sẵn sàng ra nước ngoài điều trị với chi phí lớn để đảm bảo được phục vụ và điều trị tốt nhất. Họ cũng đưa ra những yêu cầu rất cao mà không hề tiếc tiền.
“Do đó, nếu Bộ Y tế quy định “giá trần” thì bệnh viện sẽ không thể đầu tư thích đáng để làm hài lòng người bệnh sẵn sàng chi trả giá cao. Thay vào đó, Bộ Y tế có thể tham khảo mức giá trần của các dịch vụ khám theo yêu cầu ở các nước trong khu vực để đề xuất mức giá hợp lý hơn. Đó cũng là cách để các bệnh viện có cơ sở đầu tư nâng chất dịch vụ khám chữa bệnh, giữ được nhiều trường hợp bệnh nhân đang muốn ra nước ngoài chữa trị”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.