Xe đưa rước học sinh chưa an toàn
Khoảng 6 giờ 15 ngày 4-12, ô tô khách 61H-2335 đang lưu thông trên đường ĐT743 (đoạn qua thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đưa khoảng 10 học sinh đến Trường Tiểu học An Phú thì bất ngờ bốc khói mù mịt ở phần đầu xe. Tài xế vội tấp xe vào lề đường, mở cửa cho các em học sinh thoát ra ngoài và tìm cách khống chế nguồn nhiệt nhưng trên xe không có bình chữa cháy.
Người dân xung quanh đã nhanh chóng đổ nước vào bên trong cabin xe, khoảng 15 phút sau, khói ở trong xe mới ngừng bốc ra. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú, chiếc xe trên được các phụ huynh thuê để đưa rước học sinh mỗi ngày từ nhà đến trường và nguyên nhân gây sự cố là do xe bị chập điện.
Trước đó, tại Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ xe đưa rước làm rơi học sinh chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Số liệu của Thanh tra Giao thông tỉnh Đồng Nai đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của vấn đề: Trong 11 tháng năm 2019, lực lượng này đã xử phạt 1.769 trường hợp xe đưa rước học sinh vi phạm an toàn giao thông (với các lỗi phổ biến là dừng đậu không đúng nơi quy định, không đóng cửa khi xe đang chạy, chở quá số người) với tổng số tiền nộp vào ngân sách là 1,63 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 42 trường hợp. Trong đó, đáng chú ý là phát hiện ô tô khách loại 24 chỗ ngồi biển số 53S-6147 đã hết niên hạn sử dụng. Hiện chiếc xe đã bị tịch thu.
Tại kỳ họp HĐND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra ngay sau đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mất an toàn của xe đưa rước học sinh và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu để không xảy ra các trường hợp tương tự trên địa bàn.
Quản lý lỏng lẻo
Theo các cơ quan chức năng, phần lớn xe đưa rước học sinh là xe đã qua sử dụng nhiều năm, rất nhiều xe đã sắp hết niên hạn, bên trong thì ghế ngồi xộc xệch, bị tháo phần dựa lưng ghế, thay đổi công năng để chở được nhiều học sinh và những sự việc không hay trên là hệ quả tất yếu của tình trạng quản lý lỏng lẻo loại hình xe đưa rước học sinh diễn ra tại các tỉnh Đông Nam bộ cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Về phía ngành chủ quản là sở GTVT các tỉnh, cơ quan này chỉ quản lý trên đầu phương tiện, không biết chính xác có bao nhiêu phương tiện tham gia hợp đồng chở đưa rước học sinh. Và cả ngành giáo dục cũng vậy.
Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, thừa nhận: Theo quy định là ban giám hiệu các trường phải quản lý, nhưng thực tế vẫn chủ yếu do phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm tự hợp đồng với tài xế hoặc với hợp tác xã vận tải để chở học sinh, như tại 2 trường để xảy ra vụ việc rơi học sinh vừa qua.
Theo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị kinh doanh vận tải khi đăng ký dịch vụ với sở thì chỉ ghi là dạng xe hợp đồng chở người, còn chở đối tượng nào và hoạt động ra sao thì sở không biết, do đó chưa nắm được số lượng cụ thể xe đưa rước học sinh đang hoạt động.
Trước đó, trong đợt kiểm tra hiếm hoi từ ngày 28-10 đến 7-11-2019 tại 15 trường trên địa bàn tỉnh với tổng số 62 phương tiện cho thấy, nhiều xe chở học sinh vi phạm như hết hạn kiểm định, xe không có phù hiệu, không có hợp đồng vận chuyển, tài xế có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại phương tiện điều khiển.
Qua khảo sát ở các tỉnh khu vực Đông Nam bộ thì phần lớn hoạt động xe đưa rước học sinh là loại dịch vụ tự phát, gần như mỗi chuyến xe chỉ có tài xế là người lớn duy nhất đồng hành cùng các em trên suốt chặng đường đi và về, nhà trường và phụ huynh không kiểm soát được chất lượng xe và lái xe; việc hợp đồng thuê xe chủ yếu do chủ xe và phụ huynh giao kết với nhau, không được thực hiện theo quy chuẩn nào.
Từ vụ việc để quên làm chết học sinh trên xe ở Hà Nội đến những vụ để rơi học sinh gần đây, các ngành chức năng cần rà soát, ban hành bổ sung các quy định nhằm siết chặt việc quản lý an toàn đối với loại hình dịch vụ này. Trong đó, nên có quy định xe đưa rước phải gắn thiết bị giám sát hành trình, gắn camera trên xe để chủ xe, nhà trường và phụ huynh cùng tham gia giám sát. |