Phải thu hẹp những khác biệt
Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến hết tháng 6, MXH Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu... MXH ngày càng trở nên có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội, trở thành một kênh truyền thông lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các MXH xuyên biên giới nói trên đều chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định, bức xúc trong xã hội. Tình trạng “giang hồ mạng”, lợi dụng MXH để lừa đảo không còn hiếm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề tin giả, tin sai sự thật trên MXH càng trở nên nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Sau hàng loạt cá nhân đưa thông tin sai sự thật, tin bịa đặt về dịch Covid-19 ở Việt Nam bị các cơ quan chức năng xử lý, vụ “bác sĩ Khoa” trên Facebook mới đây đã trở thành đỉnh điểm.
Thời gian qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH. Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ TT-TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Cùng với đó, Bộ TT-TT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google... xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ các tin giả; nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần làm việc với các nền tảng MXH xuyên biên giới và đạt được nhiều thỏa thuận. Họ phải gỡ những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong năm 2020 đã có những bước tiến lớn, tuy vậy vẫn còn những khác biệt về pháp luật, quan điểm chính trị, văn hóa, vì vậy các bên đang tìm mọi giải pháp thu hẹp khoảng cách khác biệt để các MXH xuyên biên giới thực hiện đầy đủ 100% yêu cầu của Việt Nam.
Giải pháp mạnh mẽ hơn
Cùng với việc điều tra, xử lý các cá nhân vi phạm, một vấn đề quan trọng đặt ra đó là chuyện quản lý hoạt động của các MXH, nhất là những MXH xuyên biên giới ở Việt Nam. Bộ TT-TT đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Dự thảo nghị định này yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp: cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Các trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập hàng tháng phải thực hiện các nghĩa vụ: thông báo, xác nhận hoạt động với Bộ TT-TT; phối hợp với Bộ TT-TT để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình. Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nội dung vi phạm thuộc phạm vi, chuyên ngành quản lý nào, chuyển Bộ TT-TT là đầu mối yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm…
Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của MXH xuyên biên giới, đó là phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại từ người sử dụng; tạm khóa hoặc xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) bị khiếu nại chính đáng từ cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu; tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Bên cạnh đó, các MXH xuyên biên giới phải yêu cầu các kênh, tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi, đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT; chỉ cho phép các kênh, tài khoản đã thông báo với Bộ TT-TT mới được cung cấp dịch vụ livestream và các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu MXH phải thực hiện biện pháp ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của Bộ TT-TT trong thời gian 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu…
Đây được xem là những biện pháp “mạnh tay” để chấn chỉnh tình trạng tin giả, tin sai sự thật, thông tin vi phạm pháp luật vốn tồn tại nhiều năm trên các MXH xuyên biên giới như Facebook, YouTube - Google ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, nghị định này được ban hành sẽ là một trong những công cụ quan trọng giúp các cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, khoa học hơn đối với các MXH, góp phần lành mạnh hóa môi trường Internet, không gian mạng tại Việt Nam hiện nay.