Trưa 19-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta
Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn có đặc điểm lớn nhất trong đợt dịch này là chủng virus Delta, gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan rất nhanh và rộng tại TPHCM. Các chuỗi lây nhiễm lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện; đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng.
Hiện ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ; tất cả nhân viên y tế tuân thủ nghiêm biện pháp 5K và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
"Bên cạnh đó, giám sát, phòng chống dịch trong khu công nghiệp qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, chế biến thủy hải sản đông lạnh… Xét nghiệm toàn bộ người lao động trong khu công nghiệp có người mắc, nghi mắc Covid-19 và mở rộng xét nghiệm trong tất cả các khu công nghiệp”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương và triệt để; vận động người từng đến các địa điểm có ca mắc Covid-19 theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khẩn trương khai báo y tế. Tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng cách ly tập trung, tăng cường giám sát cách ly tại nhà. Thành phố đã triển khai phương án tổ chức 3.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nặng.
Về công tác xét nghiệm, hiện nay, năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc Thành phố, các cơ sở y tế Trung ương trên địa bàn TPHCM và một số bệnh viện tư nhân đạt khoảng 20.000 mẫu/24 giờ, trường hợp cần thiết có thể nâng lên công suất tối đa 30.000 mẫu/24 giờ. Thành phố huy động các đơn vị y tế (930 đội) tham gia lấy mẫu xét nghiệm, ngày cao điểm thực hiện 100.000 mẫu/24 giờ, có thể nâng công suất tối đa lên 200.000 mẫu/24 giờ.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng riêng, cụ thể, linh hoạt riêng của TPHCM để phòng, chống dịch trên địa bàn. Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine + 5K + công nghệ. Công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng trong tiêm vaccine, công tác truy vết, cách ly, trong quản lý hành chính… để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đồng thời, trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, TPHCM cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, giao thông đi lại… để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.
“Cần siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay, để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các quận, huyện và TP Thủ Đức tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hôm nay (19-6), TPHCM sẽ họp trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế và các ngành liên quan để chốt phương án cụ thể.
Quyết tâm sau 1 tuần tới, TPHCM có thể khống chế được dịch bệnh
|