Trong 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy tình hình còn rất nhiều khó khăn, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra (3,72%); 4 địa phương tăng trưởng âm. Thời gian tới, Chính phủ nhận định, khó khăn tiếp tục nhiều hơn thuận lợi. Do đó, mục tiêu phải đạt theo nghị quyết của Quốc hội (tăng trưởng 6,5% cả năm) là đầy thách thức.
Trước nhiệm vụ hết sức nặng nề đó, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa ban hành, hàng loạt chính sách cụ thể được Chính phủ đề ra để các bộ ngành, địa phương thực hiện. Đáng chú ý, trong số các giải pháp trọng tâm, Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc; xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Có thể thấy, càng trong lúc khó khăn, nội dung siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương càng xuyên suốt trong các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Bởi chỉ có siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cộng với phát huy vai trò người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, chúng ta mới có thể chuyển biến tình hình.
Minh chứng rõ nét là trong giải ngân vốn đầu tư công vừa qua, dưới sự đôn đốc của Thủ tướng, rất nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm về giao thông đã được khởi công. Đến ngày 30-6, giải ngân vốn đầu tư công gần 216.000 tỷ đồng, đạt khoảng 30,49% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%). Đó là nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo, cũng như sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ KH-ĐT cũng đang dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm về bảo đảm kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cải cách hành chính. Để tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất - kinh doanh trì trệ hiện nay, yêu cầu đặt ra với từng bộ ngành, địa phương chính là phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Cần thực hiện đúng tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, kiểm tra được; làm việc nào dứt việc đó. Song song đó, bảo vệ và phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm…