Siết chặt kỷ cương

Năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện là 524.668,99 tỷ đồng, chưa kể 77.568,646 tỷ đồng vốn các năm trước chuyển sang. Tuy nhiên, đến hết tháng 9-2021, tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch chỉ đạt 47,38%. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) kết quả rất thấp với 12,69%. 

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn ODA với tổng giá trị 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021.

Nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là do chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, vì hầu hết hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài. Nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân đến từ “bệnh” thành tích.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 diễn ra cuối tháng 9-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, còn cho biết, tổ công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng của các địa phương. Ngoài ra là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, khi thực hiện lập tức gặp trở ngại. Có dự án rồi, lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực...

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghiêm khắc phê bình những cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 40%. Đồng thời nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công trên 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, các bộ ngành, địa phương phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thúc đẩy giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên. Để giải quyết dứt điểm thực trạng này, cần thêm thuốc đặc trị, không chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà bằng một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả, có tầm nhìn xa của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tin cùng chuyên mục