Mục đích cao nhất của việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên là làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng, là thước đo cao nhất của CCHC.
Nói đến CCHC thì bao gồm nhiều vấn đề như cơ chế, thể chế, quy chế và đặc biệt là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
TPHCM đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. TPHCM cũng bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm hàng trăm cán bộ chủ chốt các cấp và các sở ban ngành. Động thái này tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của bộ máy và kết quả thực thi nhiệm vụ. Tuy vậy, hiện vẫn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn.
Thứ nhất, việc phân cấp, phân quyền, ủy nhiệm chưa được làm rõ cả chiều ngang và chiều dọc. Điều này dẫn tới chồng chéo, giẫm chân, không rõ trách nhiệm. Hệ quả là có vụ việc nhiều người, nhiều tổ chức cùng vào cuộc mà công việc vẫn không chạy. Xét đến cùng như thế là thiếu trách nhiệm với công việc, nhưng không quy được trách nhiệm cụ thể. Chẳng hạn, trong xử lý rác thì ngành môi trường và địa phương cùng “đẩy” cho nhau, hoặc có sự việc xảy ra giáp ranh giữa 2 phường, 2 quận thì các bên cứ đẩy qua, chuyển lại. Đây là căn bệnh khá trầm kha, thuộc về cơ chế cần được giải quyết.
Thứ hai, kỷ luật hành chính không nghiêm, nặng kêu gọi động viên, ít chế tài. Người làm tốt cũng chỉ được động viên tinh thần là chính. Người làm yếu kém, thậm chí làm sai, phần lớn cũng chỉ nhắc nhở, phê bình, rút kinh nghiệm. Rất nhiều dẫn chứng, như lãnh đạo UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận huyện phải xử lý dứt điểm, triệt để các điểm lấn chiếm kênh rạch thoát nước trong năm 2018, nếu không phải chịu trách nhiệm. Hiện nay còn khoảng 40 tuyến bị lấn chiếm nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm. Trong CCHC cũng thế, nhiều vụ việc cứ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, cũng không ai, không đơn vị nào chịu trách nhiệm, dù thông điệp “kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nếu để hồ sơ trễ hạn cao, người dân thường xuyên phiền hà, không hài lòng” thường xuyên được đề cập. Cũng chính vì kỷ luật không nghiêm, không ai bị xử lý, bị hạ lương, bị cách chức, thì khó thể đảm bảo được trật tự, kỷ cương, tạo sự đột phá trong CCHC.
Thứ ba, TPHCM thật sự chưa gắn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế với mô tả công việc, kể cả người lãnh đạo, quản lý ở những vị trí chủ chốt. Đây là điểm yếu về khoa học hành chính, dẫn đến không định lượng, minh bạch được trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu. Vì thế không có thang bậc đánh giá chính xác lao động, quản lý của họ. Đây là điểm nghẽn trực tiếp trong CCHC.
Vấn đề đặt ra là phải xây dựng quy chế làm việc một cách khoa học, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (theo Quy định 08-QĐi/TW). Quy định cán bộ, đảng viên thấy không đủ năng lực, điều kiện và uy tín thì từ chức cần được áp dụng, thay vì cứ ngồi rút kinh nghiệm. Điều quan trọng nữa, cải cách không phải thay đổi hình thức này bằng hình thức khác, không phải thay tổ chức này bằng tổ chức khác, cũng không phải thay đổi cách điều hành này bằng cách khác, mà là cải cách con người. Cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, không thay đổi tư duy và cải cách chính mình thì đừng mong tạo kết quả thật sự trong CCHC.
Do đó, để “đột phá CCHC hiệu quả” thì phải tạo sự đột phá, thay đổi ý thức trách nhiệm của công chức, gắn với việc chi thu nhập tăng thêm - với cơ chế đánh giá chính xác, công bằng. Đặc biệt là siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tránh tình trạng “lờn thuốc” vì các yêu cầu “chịu trách nhiệm” không được thực thi.