Cấm vẫn bán
Vụ việc cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Vicana (phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng) sản xuất thuốc điều trị ung thư từ bột than tre một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay.
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng đã thu giữ 154 hộp Vinaca CO3.2 ung thư (loại 80 viên/hộp), 633 chai Vinaca Vi5 tẩy mùi hôi (loại 300ml - 900ml), 100 lọ Vinaca baby Vi6... cùng nhiều nguyên liệu, bao bì, nhãn mác, vỏ viên thuốc phục vụ sản xuất thuốc giả.
Từ nguồn nguyên liệu chỉ là bột than tre nứa, những sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng của Vinaca lại được quảng cáo như “thần dược” hỗ trợ điều trị ung thư và bán ra thị trường với giá hàng triệu đồng mỗi hộp.
Người dân mua thuốc tại một tiệm thuốc tây trên địa bàn quận 12, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Hay mới đây nhất, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện loại thuốc giả hết sức tinh vi dưới dạng viên nén có tên Zinnat 500mg Film Tablet, trên nhãn phụ ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Glaxo Opertione UK Ltd - Anh; doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco (địa chỉ 118 Vũ Xuân Thiều, Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội). Điều đáng nói, đây lại là loại kháng sinh thế hệ mới đang được sử dụng phổ biến cho cả trẻ em và người lớn.
Mặc dù Cục Quản lý dược đã ban hành văn bản cấm lưu hành thuốc viên nén Misoprostol 200mcg của Công ty cổ phần Sinh học dược phẩm Ba Đình sản xuất (do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều hàm lượng, độ hòa tan, định lượng), nhưng tại TPHCM, theo tìm hiểu của phóng viên vào sáng 15-4, loại thuốc này vẫn được bán như chưa có chuyện gì xảy ra tại nhà thuốc Đăng Nguyên (đường Trần Thị Cờ, quận 12).
Tại cửa hàng thuốc Minh Châu 7 (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12) cũng buôn bán tự do thuốc Misoprostol này với giá 170.000 đồng/hộp và cam kết thuốc mới nhập, hạn sử dụng còn dài.
Cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, hàng năm viện lấy trên 1.000 mẫu thuốc (toàn hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc) để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 2% và thuốc giả chiếm khoảng 0,01%.
Mặc dù tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng trên thị trường dược phẩm nước ta không quá cao, nhưng đáng lo là có không ít loại thuốc giả, kém chất lượng chỉ bị phát hiện và thu hồi khi đã lưu hành một thời gian trên thị trường, đồng nghĩa với việc không ít người bệnh đã phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng gia tăng phức tạp thời gian qua, theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), đó là nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân rất lớn, trong khi đó kiến thức còn hạn chế, ý thức cảnh giác với thuốc giả chưa cao nên tội phạm dễ dàng hoạt động.
Các đối tượng vì lợi nhuận cao nên bất chấp tất cả, làm giả bất kỳ loại thuốc nào, từ thuốc trị mụn, bổ gan, chữa bệnh giảm mỡ trong máu, ngừa tai biến cho người huyết áp cao, thuốc bổ cho trẻ em suy dinh dưỡng, thậm chí cả thuốc điều trị ung thư.
“Bên cạnh đó, việc mua bán, sử dụng thuốc không cần toa của bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Công tác kiểm nghiệm thuốc, cũng như kiểm tra và hậu kiểm đối với những mặt hàng thuốc đã lưu hành còn gặp không ít khó khăn. Hệ thống trang thiết bị, máy móc, nhân lực kiểm nghiệm tại nhiều địa phương còn hạn chế”, dược sĩ Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của những công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Song song với công tác kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cơ quan chức năng cũng tăng cường lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
Cùng với đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng.
“Khi sử dụng thuốc giả có thể gây ra các biến chứng như kháng thuốc, tăng độc tính, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc hoặc dị ứng thuốc, nhiễm độc kim loại, thậm chí gây tử vong. Các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng khi được “sản xuất” ra từ bột gạo, than tre… còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh khi sử dụng. Những chất và hợp chất này không chỉ gây ra các phản ứng dị ứng, kháng thuốc mà còn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm khác”.
Dược sĩ NGUYỄN VĂN VĨNH, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM