Nhu cầu nhân lực cao
Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Y tế, dự báo nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung 92.500 giường bệnh. Quy hoạch cũng nêu rõ nhu cầu về bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng, trong đó điều dưỡng cần số lượng gấp đôi so với bác sĩ - với 304.000 điều dưỡng/168.300 bác sĩ. Đến năm 2050, nhu cầu cần có 1,2 triệu điều dưỡng/498.000 bác sĩ. Về nhân lực kỹ thuật viên xét nghiệm y học, đến năm 2030, cả nước cần 65.000 chỉ tiêu. Mặt khác, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có trên 40.400 cơ sở mầm non và giáo dục phổ thông, nhưng 25% trong số đó không có nhân viên y tế.
Từ thực tế nhu cầu nhân lực y tế, đầu năm 2024, nhiều trường đại học, cao đẳng công bố đào tạo các ngành học mới liên quan tới khối ngành sức khỏe, như Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) mở thêm ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền; Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tuyển 200 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng; Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) mở thêm 2 ngành là Y học công cộng và Dinh dưỡng. Ở bậc giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn thông báo tuyển sinh hệ 9+ cho ngành Dược (thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS trở lên và đăng ký theo phương thức xét tuyển thẳng vào học, không thi tuyển; sau 4 năm rưỡi, sinh viên được tiếp tục học lên bậc học đại học); Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam tuyển hàng trăm chỉ tiêu cho 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học; Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (Đồng Nai) tuyển sinh các ngành Dược, Điều dưỡng, Y sĩ đa khoa với 570 chỉ tiêu...
Siết chặt đầu vào
Hiện cả nước có 67 trường đại học, học viện, cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có 32 trường đào tạo ngành y và gần 10 trường cao đẳng đào tạo y sĩ đa khoa… Ngoài ra, ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc trung cấp y - dược. Mỗi năm, các nhóm trường này đưa ra thị trường lao động số nhân lực không nhỏ. Mặc dù cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nhiều, số lượng tuyển sinh lớn, nhưng các chuyên gia lo ngại rằng chất lượng đầu ra không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH.
Hiệu trưởng một số trường đào tạo khối ngành sức khỏe, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bày tỏ băn khoăn khi các trường đăng thông tin tuyển sinh “mập mờ” như “mê hồn trận”. Phụ huynh và học sinh khó phân biệt được hệ 9+ (chương trình dành cho học sinh tốt nghiệp THCS, theo học hệ trung cấp và văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên) có thuận lợi, hạn chế gì khi theo học. ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM, phân tích: “Một số trường cao đẳng đăng thông tin tuyển sinh dùng cụm từ “phổ thông cao đẳng 9+, hệ 9+, hệ 9+5” dùng để nói về chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh THCS học tại trường cao đẳng. Nhưng không phải nghề nào cũng có thể dạy được cho học sinh hệ 9+, nhất là việc tốt nghiệp THCS có thể học 4,5 năm để lấy bằng đại học y dược, nếu các em và nhà trường không thực hiện đúng các hướng dẫn, quy định”.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, cũng lưu ý, một số trường sử dụng cụm từ 9+ với mục đích tuyển được người học, trong khi theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp có thể học thêm chương trình THPT. Cụ thể, học sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án. Phương án 1, các em học chương trình văn hóa THPT 4 môn, học xong sẽ thi tốt nghiệp văn hóa để được cấp “Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo trung cấp” và được học liên thông lên cao đẳng. Phương án 2, học sinh có thể học chương trình văn hóa THPT giáo dục thường xuyên với 7 môn, học xong được dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia; nếu đạt sẽ được cấp “Bằng tốt nghiệp THPT giáo dục thường xuyên quốc gia”. Học sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp và “Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo trung cấp” được học lên cao đẳng. Còn học sinh tốt nghiệp THPT giáo dục thường xuyên quốc gia được học liên thông lên cao đẳng và đại học. “Tôi thực sự lo lắng khi có trường đăng thông tin với lời rao “có cánh”, người chịu thiệt sẽ là phụ huynh, học sinh”, TS Đặng Văn Sáng bày tỏ.
Theo chuyên gia nhân lực Trần Anh Tuấn, đào tạo khối ngành sức khỏe liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân, do đó Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cần có những quy định siết chặt đầu vào hơn nữa; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, thực hiện nghiêm việc kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ, phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hành nghề Y tế tư nhân TPHCM, hiện nay có những trường mở ngành hoặc trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe còn lơ là, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Nhà nước cần xây dựng Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, từ đó bảo đảm chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo ngành y.