
Sự kiện Chính phủ Thủ tướng Anh David Cameron thông qua những quy định mới kiểm duyệt gắt gao đối với các tờ báo, tập đoàn truyền thông đã khiến dư luận “nổi sóng”, đặc biệt là các tờ báo lá cải. Những tờ báo này lên án Chính phủ Anh đã bóp nghẹt sự tự do của báo chí, còn báo chính thống kết luận đây là những quy định hợp lý.

Ấn bản cuối của News of the World.
Báo lá cải hết đất sống
Phải mất hơn 2 năm sau vụ scandal nghe lén của News of the World - tờ báo từng xếp hạng số 1 trong số các báo lá cải Anh - bị phanh phui và những câu chuyện lùm xùm xung quanh sự việc này chưa chấm dứt, Chính phủ Anh mới đưa ra quyết định kiểm duyệt gắt gao hơn với ngành truyền thông báo chí của nước này.
Theo quy định mới, Chính phủ Anh sẽ thành lập một tổ chức giám sát báo chí có quyền ban hành các lệnh cấm hoạt động, đình bản vĩnh viễn, phạt tiền tới 1 triệu bảng Anh (1,5 triệu USD), buộc đăng lời xin lỗi với diện tích lớn trên trang nhất... đối với các tờ báo sai phạm. Cơ quan giám sát báo chí này còn được quyền buộc các tờ báo phải đăng lên trang nhất (với diện tích lớn) lời xin lỗi nếu thông tin trong bài viết không chính xác cũng như chi trả tiền thuê trọng tài, tòa án cho các nạn nhân của họ.
Quan điểm của giới báo chí Anh là hệ thống truyền thông không nên bị can thiệp và kiểm duyệt. Trước khi quy định được thông qua, một số tờ báo, đặc biệt là báo lá cải, liên tục đăng tải những thông tin kêu gọi gỡ bỏ quy định và gọi nó là “nơi sản sinh những mâu thuẫn” trong tương lai. Tuy nhiên, có vẻ như sự phản đối sẽ khó thay đổi hay lật ngược thế cờ cho giới báo chí Anh, bởi cùng ký tên vào bộ luật này có đương kim Thủ tướng, đại diện đảng Bảo thủ David Cameron; Phó Thủ tướng, đại diện đảng Dân chủ tự do Nick Clegg và lãnh đạo Công đảng (đảng đối lập) Ed Miliband.
Để có được sự đồng ý này, ông Cameron đã phải bỏ ra nhiều công sức để thuyết phục lãnh đạo của đảng đối lập vì sự trong sạch của ngành báo chí Anh. Nhiều tờ báo từng dự đoán sẽ nảy sinh những tranh cãi giữa các chính trị gia nhưng mọi việc đều diễn ra theo chiều hướng thuận lợi.
Các chính trị gia hàng đầu đều thống nhất quan điểm cho rằng bộ quy định mới sẽ góp phần kìm hãm và ngăn chặn những hành vi xấu của giới báo chí như vụ bê bối nghe lén điện thoại dẫn đến việc tờ News of the World của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch phải đóng cửa hồi năm 2011, đồng thời nó cũng không ảnh hưởng đến tự do báo chí của nước Anh.
Quan điểm trên không làm thỏa mãn các báo lá cải Anh. Bình luận về bộ quy định kiểm duyệt mới này, các tờ báo lá cải cho rằng họ đã bị giới chính trị gia loại bỏ trong vòng đàm phán cuối cùng trước khi dẫn đến sự ra đời của bộ quy định. The Times - một trong những tờ báo có lượng xuất bản lớn nhất nước Anh - đã gọi thỏa thuận này là một chương đen tối trong nền tự do báo chí của nước Anh.
Còn theo tờ Daily Mail, lần đầu tiên kể từ thế kỷ 17 đến nay, báo chí Anh lại bị chính trị can thiệp sâu đến như vậy. Tổ chức Chỉ số kiểm duyệt (Index on Censorship) gọi đây là “ngày buồn của tự do báo chí ở Anh”.
Báo chính thống lên ngôi
Nước Anh vốn nổi tiếng ngành báo chí truyền thông phát triển, bên cạnh những tờ báo chính thống, báo lá cải luôn tồn tại song hành và liên tục phát triển từ gần 200 năm qua. Các tờ báo này luôn tự hào vì doanh thu liên tục tăng bất chấp khủng hoảng kinh tế. Để đạt được điều này, phóng viên các báo lá cải Anh buộc phải “lá cải” đến mức cao độ, để không bị mất chỗ.
Tờ Guardian mô tả không khí trong các phòng tin tòa soạn báo lá cải nước Anh bằng từ “chế độ của sự sợ hãi”, nơi các phóng viên luôn nơm nớp nỗi lo mất việc nếu không có những bản tin độc quyền. Trong môi trường ấy, vấn đề đạo đức trở thành thứ xa xỉ. Các mánh khóe lấy tin của phóng viên lá cải được gói gọn trong từ bin-diving (ngụp lặn trong bồ rác để moi tin) mà ưu tiên là những thông tin về cá nhân, bằng cách chi tiền cho cảnh sát, thuê thám tử tư…
Ông Alan Rusbridger, Tổng biên tập tờ Guardian, tờ báo đã phanh phui ra vụ bê bối nghe lén của News of the World đồng tình với quy định mới kiểm soát báo chí và gọi đó là một biện pháp công bằng, đồng thời khẳng định đây là một bước tiến rất lớn. Còn ông Chris Blackhurst, biên tập viên tờ The Independent cho rằng bộ quy định mới tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng không phải là điều gì quá kinh khủng. Đó chỉ là kết quả mà các tờ báo lá cải phải gánh chịu cho những điều tồi tệ đã gây ra cho các nạn nhân bị soi mói, xâm phạm đời tư trong nhiều năm qua.
Còn Thủ tướng Anh Cameron gọi đó là việc cần thiết để lấy lại cân bằng cho ngành công nghiệp báo chí. Bộ quy định mới là sự hỗ trợ tuyệt vời cho lĩnh vực báo chí điều tra truyền thống và vẫn đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nó bảo vệ những người vô tội và những người dễ bị tổn thương trước sự tấn công của báo chí.
| |
Thanh Hằng (Tổng hợp)