Siết an toàn thực phẩm

Thực phẩm an toàn là mối quan tâm, mong muốn của hàng triệu người dân thành phố khi Tết Nguyên đán cận kề. Hiện nay, TPHCM có 3 chợ đầu mối, khoảng 230 chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng hàng ngàn kênh mua sắm trực tuyến cung ứng cho người dân thành phố khoảng 10.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại mỗi ngày. Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cung ứng thực phẩm chất lượng và an toàn, nhưng rủi ro vẫn tồn tại.

Nỗi lo này cứ đến hẹn lại lên. Lượng tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến cũng kéo theo nguy cơ sản phẩm kém chất lượng bị trà trộn, đe dọa quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện càng khiến người dân thêm lo lắng.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực ở miền Nam là điều kiện thuận lợi khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng. Thói quen tích trữ đồ ăn quá mức cũng có thể biến chiếc tủ lạnh ngày tết trở thành một ổ vi trùng. Từ thức ăn đường phố đến nhà hàng có tên tuổi, trên đường du xuân hoặc khi tiệc tùng, nếu không cẩn trọng trong chế biến, bảo quản thì cũng dễ gây ra ngộ độc...

Tuy nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) không phải là bất khả thi. Theo các chuyên gia, siết thực phẩm từ gốc là điều kiện tiên quyết. Tại TPHCM, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn là giải pháp bền vững để quản lý chất lượng thực phẩm và đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Đồng thời, dịp cận tết, hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng với các mặt hàng đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm cũng giúp kiểm soát việc tuân thủ quy định ATTP. Những mặt hàng kém chất lượng cũng được loại bỏ, tiêu hủy trước khi hiện diện ở bàn ăn của mỗi gia đình.

Tất nhiên, ATTP còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Kiến thức về ATTP được phổ biến mọi lúc mọi nơi, nhưng việc tuân thủ lại rất khác. Vẫn còn đó những ca tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh, nhiều trường hợp nhiễm giun sán hoặc nhiễm trùng huyết vì ăn đồ sống, đồ tái. Sự bất cẩn trong ăn uống có thể phải nhận lại những bài học đắt giá.

Bên cạnh đó, ngộ độc rượu là vấn đề cần cảnh báo quyết liệt hơn nữa. Mới đây, chất acetonitrile tìm thấy trong rượu trắng được cho là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc tập thể tại Hà Nội. Khiến 2 người tử vong, dù chất này không có trong thành phần thực phẩm.

Lạm dụng rượu bia cũng là nguyên cớ của hàng loạt vụ ẩu đả, đánh nhau, tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ. Do vậy, kiểm soát hành vi tiêu thụ đồ uống có cồn là một trong những cách cần thiết để đón tết an toàn.

Việc rà soát, kiểm tra thực phẩm cung ứng cho người lao động cũng cần phải được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Bởi việc lựa chọn thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng, hàng trôi nổi sẽ dẫn đến nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Do đó, cần sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhân văn, nhằm chăm lo đời sống và đảm bảo an sinh cho những người yếu thế trong dịp Tết Ất Tỵ là hết sức cần thiết!

Tin cùng chuyên mục