Nỗi lo từ chợ tự phát
Sau 4 tháng tạm ngưng vì dịch Covid-19, ngày 1-11, chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Bình Điền (quận 8) hoạt động trở lại. Thế nhưng, thay cho cảnh nhộn nhịp mua bán trước đây thì nay chợ lại khá vắng vẻ, nguyên nhân được cho là do chợ tự phát bên ngoài hoạt động rất sầm uất.
Đáng chú ý, cả người bán lẫn người mua tại chợ tự phát đều không tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19. Và đương nhiên, các quy định về ATTP cũng bị “phớt lờ”. Ước tính, nếu các mặt hàng rau xanh và thủy hải sản về điểm trung chuyển trong chợ Bình Điền chỉ khoảng 170 tấn mỗi đêm thì lượng hàng bán “chui” tại chợ tự phát bên ngoài lồng chợ lên đến gần 500 tấn.
Các loại thực phẩm bày bán tại chợ tự phát đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP. Trong khi đó, người đến mua hàng tại đây đa số là người buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ khắp thành phố.
Không chỉ chợ đầu mối Bình Điền, việc chợ tự phát ăn theo các chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã trở thành căn bệnh “trầm kha” từ nhiều năm nay. Vấn đề quản lý ATTP tại những khu vực này cũng gần như bị “bỏ ngỏ”. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, việc thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh từ các khu chợ này là nỗi lo không của riêng ai.
Nhìn nhận thực trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM, cho rằng, buôn bán bên ngoài chợ đầu mối là vấn đề nhức nhối nhiều năm chưa giải quyết được và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu như các tiểu thương, sạp hàng trong chợ đều được kiểm tra kiểm soát về chất lượng thực phẩm, về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, test nhanh Covid-19 mỗi ngày, các biện pháp khử khuẩn… thì với những nơi buôn bán bất hợp pháp xung quanh chợ đầu mối cũng như tại các chợ truyền thống lại không.
“Hiện nay, khi tình hình đang trở lại trạng thái bình thường mới, người dân hãy ủng hộ các cơ sở buôn bán hợp pháp, bởi vì họ tuân thủ tiêu chí quản lý chất lượng và được kiểm tra kiểm soát từ các lực lượng chức năng. Có như vậy thì chúng ta mới thực sự bảo đảm được ATTP mỗi ngày và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Thống kê của Ban quản lý ATTP TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tiến hành thanh, kiểm tra 15.270 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, phát hiện 734 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền 10 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80 tấn sản phẩm.
Ngoài ra, ban quản lý phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM phát hiện 40 vụ vi phạm về kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền, đơn vị tiến hành xử phạt 26 trường hợp vi phạm quy định ATTP với số tiền phạt hơn 169 triệu đồng.
Nhằm đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ban quản lý ATTP TPHCM đã thành lập các đoàn kiểm tra, tập trung vào khâu bảo quản dự trữ tại các kho lạnh trước khi ra thị trường. Song song đó, các đoàn kiểm tra cũng chú trọng đến các cơ sở sản xuất, phân phối hàng tết.
Cùng với Ban quản lý ATTP, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM cũng đã có kế hoạch cao điểm kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế...
Mặt hàng kiểm tra sẽ được tập trung vào nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống...
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, cũng như mọi năm, công tác kiểm tra phải tập trung cao độ để kịp thời phát hiện xử lý những hành vi vi phạm, bảo đảm ATTP trong tết cho người dân, cho cộng đồng. Bà Phong Lan khuyến cáo, việc ăn uống tại chỗ tại các nhà hàng, quán ăn cần được tuân thủ các quy định của Bộ tiêu chí 3677 của UBND TPHCM.
Hoạt động ăn uống tại chỗ hầu như phải tháo bỏ khẩu trang, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Do đó, người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách không tụ tập và cân nhắc có tham gia ăn uống tại chỗ hay không. Trong quá trình ăn uống, người dân cần giảm bớt giao tiếp, đặc biệt khi uống rượu bia.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP vừa có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. Kế hoạch triển khai được thực hiện từ 20-12 đến hết 12-3 trên phạm vi cả nước với mục tiêu bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022. |