Căng thẳng ôn thi
Nhiều học sinh lớp 12 có lịch học và ôn luyện kín cả tuần. Tâm lý lo lắng khiến nhiều bạn dành 15-18 giờ/ngày chỉ để... ôn thi. Bạn Thanh Lam (Trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết: “Em học cả ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy trên trường, học thêm tiếng Anh 2 buổi tối/tuần, luyện đề vào các buổi tối còn lại và Chủ nhật. Giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ bị xáo trộn”.
Ghi nhận thực tế, ngoài thời gian học trên trường, nhiều học sinh rút ngắn thời gian ăn uống, nghỉ ngơi để tham gia các lớp học thêm, luyện đề qua các phiên livestream của thầy cô “có tiếng” trên mạng xã hội Facebook, TikTok.
Được bố mẹ đầu tư hơn 100 triệu đồng để luyện thi chứng chỉ IELTS, bạn Thu Thảo (Trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Với trường đại học em muốn vào, 6.0 IELTS được quy đổi sang 9 điểm môn tiếng Anh. Giờ em chỉ tập trung ôn Toán và Lý để đạt trên 9 điểm mỗi môn”. Bên cạnh đó, Thu Thảo còn tham gia 2 đợt thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để có cơ hội xét tuyển thẳng.
Dạy 2 lớp khối 12, cô Nguyễn Thị Yên, giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Trần Phú, Vĩnh Phúc) cho biết: “Trong quá trình ôn thi cho học sinh, tôi phải rà soát đề thi mấy năm gần đây để khoanh vùng những kiến thức trọng tâm, chú trọng khâu luyện đề, chia thành nhiều giai đoạn ôn luyện để giảm bớt áp lực cho học sinh”.
Giáo viên, nhà trường sợ học sinh "làm lơ" kết quả tốt nghiệp
Phục vụ cho mục tiêu vào đại học, nhiều học sinh đầu tư thời gian ôn thi các chứng chỉ ngoại ngữ, tham gia các đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Điều này còn tạo áp lực lớn cho giáo viên và nhà trường trong việc đảm bảo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Lê Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Vĩnh Phúc cho biết: “Hầu hết các em học tương đối tốt sẽ tham gia thêm các đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhưng khi biết kết quả thi đảm bảo việc đã đỗ vào ngành, trường đại học yêu thích, nhiều em sẽ có tư tưởng thi tốt nghiệp THPT chỉ để đủ điểm tốt nghiệp. Trong khi đó, Sở GD-ĐT vẫn xếp thứ hạng của nhà trường qua điểm thi tốt nghiệp THPT của các em học sinh”.
Ghi nhận 2/3 học sinh của lớp mình chủ nhiệm tham gia thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, cô Nguyễn Thị Yên, giáo viên dạy Ngữ văn lớp 12 phải hỗ trợ thêm các kiến thức, kỹ năng cho các bạn dự thi. “Thi đánh giá năng lực là cơ hội để các em trải nghiệm, thêm sự lựa chọn, còn tôi vẫn luôn phân tích, đôn đốc các em tập trung ưu tiên ôn thi tốt nghiệp THPT. Dành quá nhiều thời gian cho các đợt thi đánh giá mà điểm tốt nghiệp THPT không cao sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi tốt nghiệp, ảnh hưởng đến vị thế nhà trường”, cô Yên nói.
Do cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là khác nhau, thời gian ôn thi của học sinh bị phân tán, đây cũng là thách thức lớn cho cả học sinh và giáo viên. Trong giai đoạn này, các Sở GD-ĐT, các trường tổ chức nhiều đợt thi thử, khảo sát để nắm bắt tình hình ôn thi của học sinh và dựa vào kết quả khảo sát để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác dạy và ôn luyện.