Trước thềm năm học mới

Quần áo, sách, tập… “quay” học sinh

Quần áo, sách, tập… “quay” học sinh

Còn hơn mươi ngày nữa là khai giảng năm học mới. Các dụng cụ học sinh, quần áo, bút, tập… sách giáo khoa cũng làm phụ huynh “điên đầu”…

Đồng phục học sinh: Trường “lấn” chợ!

Quần áo, sách, tập… “quay” học sinh ảnh 1
Phụ huynh,học sinh tìm sách giáo khoa tại các nhà sách...ẢNH: QUANG ĐẠT

So với nhiều mặt hàng thì giá đồng phục học sinh có phần tăng cao, từ 10% – 20% tùy theo chất liệu vải. Vì mẫu mã đồng phục học sinh là do nhà trường và hội phụ huynh “thiết kế” nên mỗi trường mỗi kiểu.

Chị Lan, chủ một sạp quần áo ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho biết: “Tôi chỉ lấy hàng có kiểu dáng, màu sắc mà các trường vẫn sử dụng như quần tây nam, váy nữ màu xanh đậm, áo trắng sơ mi nam, áo cho nữ thì nhiều kiểu dáng hơn như cổ lá sen, giá chỉ dao động từ 30.000 – 70.000đ/bộ nhưng cũng rất khó bán”.

Bên cạnh hàng “chợ” giá bèo là những mặt hàng có “tên tuổi” của “đại gia” như Thái Tuấn, Việt Tiến, Việt Thắng được bày bán rất nhiều, giá từ 90.000 – 180.000đ/áo, 140.000 – 270.000đ/quần. Đồng phục giá trung bình từ 60.000 – 100.000đ/bộ được bày bán ở các siêu thị xem ra cũng “ế ẩm” không kém.

Khi được hỏi, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng “nếu lỡ mua ở chợ mà trường không chịu thì chỉ bỏ, chi bằng mua ở trường có đắt hơn nhưng yên tâm là nhà trường không chê!”

Anh Tuấn, phụ huynh một học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cho biết: “Có thể giá bán ở trường cao hơn ở ngoài chút đỉnh nhưng mua ở trường có nhiều cái tiện. Đưa con tới thử vừa bộ nào lấy bộ đó, nếu không vừa thì đặt may ngay tại trường, đồng phục có in logo trường nên tiện lợi hơn”. Cũng có nhiều trường “ép” phụ huynh phải mua đồng phục trong trường  nên sức tiêu thụ mặt hàng này ở ngoài thị trường rất ít.

Anh N.T.D, một phụ huynh có con đang học tại trường THPT M. (Q.3) bức xúc: “Năm nào nhà trường cũng bắt buộc học sinh phải mua đồng phục tại trường chứ không được mua bên ngoài. Như đứa cháu ở nhà, hai năm liền mua hai bộ áo dài mấy trăm ngàn rồi về bỏ chứ mặc đâu được vì nó rộng thùng thình. Nhiều học sinh tiếc của, sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng mặc cũng rất khó coi. Thôi đành cho tiền con đi mua bộ mới!”.
 
Đỏ mắt... tìm sách giáo khoa

Nhiều phụ huynh, học sinh phải “nhức đầu” với mớ bòng bong sách giáo khoa cho con cái. Gặp nhiều phụ huynh tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, không ít người phàn nàn về chuyện sách không đủ, vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 tập 1, từ một tháng nay tìm không có… Chị Nguyễn Anh Tài, nhân viên nhà sách Nguyễn Văn Cừ (cơ sở trên đường Nguyễn Văn Cừ) cho biết: “Hơn một tháng nay, vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, sách Toán lớp 11, 12 không đủ bán. Hiện nay nhà sách chúng tôi thiếu trầm trọng những cuốn sách Tiếng Việt và Toán lớp 1. Chúng tôi cũng đã đặt sách nhưng không có!”.

Phải chăng vì thiếu sách bán nên phụ huynh khổ hơn gấp bội. Anh Võ Thành Thắng (ở số 74 Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6) đưa đứa con nhỏ đi tìm sách tâm sự: “Cháu học lớp 11, nhưng tôi đến gần 20 nhà sách rồi  mà mua chưa đủ bộ. Mấy ngày nay hầu như ngày nào tôi cùng thằng nhỏ đi rong ruổi, tìm tòi ở các nhà sách lớn, nhỏ”.

Theo chị Tài, nhà ở Tân Bình cho biết: “Không hiểu sao năm nay, danh mục những cuốn sách giáo khoa “hiếm” lại... dày lên rất nhiều, mọi năm đâu có tình trạng này. Hiện nay phụ huynh, học sinh rất khó khăn khi mua các quyển sách đại loại như sách thực hành Giáo dục Công dân, thực hành Lịch sử từ lớp 6 đến lớp 9. Hơn nữa những cuốn sách đó mỗi năm lại thay đổi màu bìa, làm phụ huynh đi mua cũng rất lúng túng.
 
Cũng “nhức đầu” về chuyện sách, chị Hoàng Thị Thu (đường Tân Lập 2, khu phố 3, P.Hiệp Phú, Q.9) nói như than: “Chỉ mỗi chuyện sách thôi mà tôi đã bỏ công ăn chuyện làm hơn cả tuần nay. Nhà tôi ở quận 9, tìm các nhà sách trong quận và cả những quận lân cận không có, cuối cùng  phải chạy tuốt lên một nhà sách ở quận 5 mới có nhưng cũng chưa đủ”.
 
Anh Tùng, một cán bộ ở nhà sách Thăng Long (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) cho biết: “Ở đây luôn đầy đủ sách nhưng chỉ bán nguyên bộ chứ không bán lẻ”. Nhưng khi tôi đặt vấn đề đâu phải phụ huynh nào cũng đủ tiền ngay để mua trọn một sách với giá vài trăm ngàn đồng, anh Tùng lắc đầu: “Đành chịu, anh thông cảm vì đây là quy định chung của nhà  sách!”.
 
Đồ dùng học tập: Hàng Việt Nam “thua trên sân nhà”

Dạo một vòng qua các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy hầu hết dụng cụ học tập hầu như đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng Trung Quốc tương đối đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá thành thì “thượng vàng hạ cám”. Nếu so sánh với hàng trong nước sản xuất cùng chủng loại, có thể dễ dàng hiểu tại sao người tiêu dùng lại chọn mua hàng Trung Quốc.

Đơn cử như hộp đựng viết, hàng Trung Quốc đa dạng về chất liệu từ vải bố, giả da với hình thù các con thú ngộ nghĩnh trang trí bên ngoài giá từ  7.000 – 15.000đ/cái; đối với loại bằng kim loại giá cao hơn, từ 20.000 – 30.000đ/hộp nhưng đẹp mắt và rất nhẹ. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước chỉ biết “trung thành” với một mặt hàng đơn điệu đó là hộp nhựa. Với giá 7.000 - 10.000đ/cái, mặt hàng compa sản xuất trong nước trông rất thủ công và khó sử dụng, trong khi đó hàng của Trung Quốc giá 18 – 20 ngàn đồng/cái nhưng đẹp và dễ sử dụng.

Mặt hàng bút máy cũng vậy, hàng Trung Quốc giá cao gấp 2-3 lần (50.000 – 80.000đ/cái), trong nước (15.000 – 35.000đ/cái) nhưng vẫn bán chạy hơn…

Tại nhà sách Thanh Niên (Q.1), dụng cụ học học tập xuất xứ từ Trung Quốc bán rất chạy, đặc biệt các loại bút mực nước, bút dạ quang, chì sáp, chì bấm giá từ 1.500 – 3.500đ/cây, loại cao cấp giá 7.000 – 10.000đ/cây.
 
Chị Hương, chủ cửa hàng bán buôn văn phòng phẩm trên đường Phùng Hưng (Q.5) cho biết: “Phần lớn khách đều lấy hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng sản xuất trong nước thì chỉ có tập vở là bán được vì giá cả vừa phải, chất lượng giấy đẹp, ô kẻ sắc nét, bìa đẹp không cần phải bao như mọi năm… Nhìn chung các mặt hàng phục vụ cho học sinh trong năm nay đều tăng, người khổ nhất vẫn là học sinh!”.

Ông Nguyễn Quí Thao - Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo Dục (NXBGD) cho biết, kế hoạch năm nay NXBGD sẽ xuất bản và phát hành 95 triệu bản SGK (sách tái bản và sách dạy thí điểm lớp 12 hơn 67 triệu bản)  để phục vụ cho năm học mới.
 

Năm nay, sách bài tập và sách giáo viên được phát hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ cùng với SGK nhằm đáp ứng yêu cầu của GV và HS,đảm bảo mỗi HS phải có 1 bộ sách giáo khoa và sách bài tập (kể cả việc dùng lại sách cũ) trước ngày khai giảng năm học mới. Thế nhưng đến giờ này, những đầu SGK nêu trên vẫn chưa đến tay học sinh! 

QUANG ĐẠT

Tin cùng chuyên mục