
Ngày 4-11-2004, Liên hoan phim VN 14 sẽ khai mạc tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc). Trước thềm LHPVN, người trong cuộc suy nghĩ gì? Tại TPHCM, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với nữ diễn viên Kim Khánh và đạo diễn Lâm Lê Dũng - hai trong số những nhà làm phim sẽ tham dự LHP.
Diễn viên Kim Khánh: Liên hoan phim phải vui, rôm rả…
- Trong số các phim truyện tham dự LHPVN 14, hiếm hoi có nữ diễn viên chính vào vai phản diện, Kim Khánh đã từng nghĩ gì về nhân vật Thảo Linh trong phim “Lưới trời”?

Diễn viên Kim Khánh trong phim “Lưới trời”.
- Đầu tiên khi được đạo diễn Phi Tiến Sơn mời tham gia bộ phim, thực sự Kim Khánh rất tò mò về nhân vật nữ có cá tính mạnh, năng động, đầy tham vọng qua kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Nhân vật vừa rất lạ mà cũng vừa rất quen. Dường như nó khái quát một số tình huống có thật trong xã hội, từng nổi đình nổi đám trong dư luận và báo chí vừa qua. Hình dung đến một nữ trí thức biết làm ăn kinh tế, bản lĩnh nhưng cũng… lụy tình, tình cảm ở nhân vật này đối với Kim Khánh cũng là một đặc điểm khá thú vị. Thảo Linh rất chân thành trong tình yêu. Từ lòng ngưỡng mộ, người phụ nữ đã yêu say đắm, nồng nhiệt đến quên mình vì người yêu (cô ta mắc nhiều sai lầm làm tổn hại cho nhiều người khác!). Nhưng, khi biết mình bị phản trắc, sự đau đớn, lặng lẽ đã nhường chỗ cho một góc cạnh tâm lý khá dữ dội: lòng hận thù và sự tính toán đầy mưu mô…
- Kim Khánh tìm “nét riêng” cho tính cách nhân vật Thảo Linh trong “Lưới trời” như thế nào?
- Là một chút “chất thiền” trong nhân vật. Nghe qua hơi kỳ kỳ nhưng khác với những vai phản diện trước đây, Kim Khánh “quan sát” kỹ nhân vật và cố gắng tìm hiểu thế giới nội tâm của nhân vật. Thảo Linh gặp Tư Lê, là người yêu của Tư Lê, đến lúc bế tắc, cô đã “ngồi thiền”. Thiền để bình tâm nhưng sau đó đã tỏ ra kiên quyết hơn thay vì uống rượu để lấy lại lòng can đảm trả thù người yêu. Rất mâu thuẫn, nhưng là sự thực. Kim Khánh cảm nhận ít nhiều trong đời sống đương đại, tâm lý, quan niệm, phong cách sống của một số phụ nữ có xu hướng nghĩ đến thiền, đến văn hóa thiền, một điều xem ra đã có truyền thống xa xưa nhưng lại có vẻ rất mới trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nhớ lần tham dự LHP Fukuoka năm 2003 tại Nhật, trong một buổi họp báo, có phóng viên đã bày tỏ sự thú vị đề tài đương đại của phim “Lưới trời”. Họ cho rằng đó là một nét rất mới trong điện ảnh Việt Nam. Riêng về Thảo Linh, họ nhận xét là một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam đa dạng và hiện đại; nó đã khác hẳn hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong những bộ phim chiến tranh…
Đạo diễn Lâm Lê Dũng: Giải thưởng là sự công nhận của đồng nghiệp, công chúng…

Đạo diễn Lâm Lê Dũng.
…Đạo diễn Lâm Lê Dũng đã nói như vậy khi được hỏi về hy vọng đối với bộ phim “U14 – đội bóng trong mơ” trong Liên hoan phim Việt Nam sắp tới.
Anh được xem là một trong những đạo diễn trẻ của Hãng phim Giải Phóng với sở trường về phim dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Bộ phim truyện nhựa đầu tay của anh, “Cha con ông mắt mèo”, đoạt một lúc 4 giải thưởng: Bông sen bạc và diễn viên xuất sắc nhất (trong LHP Việt Nam lần thứ 12 - năm 1999), giải B Hội Điện ảnh, giải thưởng của Bộ Công an. Anh còn là đạo diễn nhận được khá nhiều lời mời từ các hãng phim. Cách đây vài tháng, Lâm Lê Dũng được chọn đi đào tạo lớp điện ảnh ngắn hạn tại Mỹ. Nhiệt tình, năng nổ, sáng tạo và yêu nghề đó là những gì người ta nhận xét về đạo diễn Lâm Lê Dũng…
- Bộ phim “U14 – đội bóng trong mơ” của anh không thành công trong phát hành, anh có sợ điều đó làm ảnh hưởng đến việc xét giải?
- Bộ phim vừa được trao giải khuyến khích trong giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh. “U14-đội bóng trong mơ” cũng được chọn tham dự LHP châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản cùng với “Người đàn bà mộng du”. Khá đông khán giả Nhật Bản đã bỏ tiền mua vé vào xem phim. Sau buổi chiếu, nhiều người còn ở lại giao lưu cùng đạo diễn… Chỉ bấy nhiêu thôi cho thấy, phim của chúng tôi được đánh giá tốt. Tôi chắc lần này “U14-đội bóng trong mơ” cũng sẽ có giải. Khả năng là khuyến khích.
- Anh có nhận xét gì về các tác phẩm điện ảnh tham gia liên hoan phim?
- Chúng ta có quá ít phim, nên ít có sự sàng lọc để chọn ra những tác phẩm thực sự có chất lượng để tranh tài. Năm nay có sự xuất hiện của một hãng phim tư nhân đó là dấu hiệu đáng mừng. Như vậy, những năm tiếp theo, liên hoan sẽ có thêm nhiều phim. Cần phải có sự cạnh tranh, ít nhất là trong tư duy.
- Theo anh có công bằng không khi so sánh giữa những phim có sự đầu tư lớn hoặc hợp tác nước ngoài với các phim khác?
- Vấn đề kinh phí vẫn là một trong những yếu tố quan trọng của phim Việt Nam. Sẽ không công bằng khi đánh đồng các phim với nhau… Có thể sẽ có giải thưởng của ban giám khảo cho những phim thuộc loại này chăng?
- Cám ơn anh và chúc anh may mắn.
KIM ỬNG – HÀ GIANG