(SGGPO).- Sáng 15-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục –Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020 trong năm 2014 khối địa phương ở phía Bắc. Một thực tế dễ nhận thấy là việc triển khai đề án này ở các tỉnh thành rất nhiều khó khăn, hạn chế, vì vậy khó hy vọng vào hiệu quả nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Theo Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020, thực hiện kế hoạch năm 2014, đến nay mới chỉ có 43/63 Sở GD-ĐT gửi kế hoạch về Bộ, 23 Sở vẫn án binh bất động; 7 Sở GD-ĐT gửi bản kế hoạch có phê duyệt của UBND tỉnh/thành; 30/63 Sở gửi kế hoạch triển khai.
Năm 2014, chủ yếu các Sở sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực đội ngũ, xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ. Theo đánh giá của Bộ, cơ bản các tỉnh thành đều có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cố gắng tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ có trình độ đạt chuẩn; có kế hoạch đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ..
Các Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ hỗ trợ tài liệu giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh, giới thiệu các phần mềm ứng dụng trong dạy và học ngoại ngữ; nghiên cứu giảm tải một số nội dung bộ SGK lớp 4, 5 theo chương trình 4 tiết/tuần cho phù hợp khi triển khai dạy đại trà; giới thiệu đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên nước ngoài về các địa phương, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa học tập ngoại ngữ ở các nhà trường để giúp phong trào học ngoại ngữ và nâng cao chất lượng học ngoại ngữ. Đặc biệt, các Sở còn đề nghị Bộ sửa đổi thông tư 32 về đánh giá học lực, hạnh kiểm học sinh, theo đó coi môn tiếng Anh là môn học bắt buộc, tham gia đánh giá xếp loại học lực học sinh.
Về phần thực hiện kế hoạch năm 2014 của khối các trường ĐH-CĐ địa phương (31 trường ĐH-CĐ địa phương có khoa chuyên ngữ sư phạm được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình trường ĐH-CĐ theo định hướng đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học ngoại ngữ), đến nay Bộ GD-ĐT mới chỉ nhận được kế hoạch triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020 của 19/31 trường.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, qua các báo cáo này cho thấy nhiều trường cơ cấu phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ không phù hợp, đầu tư mua sắm thiết bị quá nhiều dẫn đến không còn kinh phí triển khai nhiệm vụ khác. Đơn cử như Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Quảng Ninh mua tới 1 tỷ/2 tỷ đồng được phân bổ; CĐSP Điện Biên mua hết 1,4 /2 tỷ đồng kinh phí; CĐSP Thừa Thiên Huế mua thiết bị đến 1,5tỷ/2 tỷ đồng; Đại Học Quảng Bình mua hết 1,17/2 tỷ đồng...
Một số trường lại quá chú trọng bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài so với bồi dưỡng ở trong nước và các nhiệm vụ khác. Ví dụ ĐH Tiền Giang dành tới 900 triệu/2 tỷ đồng để kinh phí được rót để cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Đó là chưa kể một số trường đề ra kế hoạch thực hiện rất chung chung, không có mục tiêu cụ thể.
Một điều dễ nhận thấy tại hội nghị sáng nay là hầu hết các Sở, các trường đều phàn nàn thiếu kinh phí để triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020. Các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... đều phàn nàn rằng, đã ít giáo viên đạt chuẩn lại thiếu tiền nên công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ càng khó khăn hơn.
Một số thành phố lớn như Hải Phòng phải vận động giáo viên bỏ tiền túi ra để thi chứng chỉ. Cá biệt, tỉnh Hải Dương không phải thiếu mà thừa kinh phí bồi dưỡng giáo viên nhưng lại gặp tình trạng nhiều giáo viên sau nhiều lần bồi dưỡng vẫn không đạt chuẩn. Tỉnh Hải Dương chỉ có 37% giáo viên sau bồi dưỡng nâng được 1 bậc so với ban đầu. Nhiều giáo viên sau nhiều lần học lại thi lại thì nản, dù không phải đóng học phí nhưng vẫn không hào hứng.
PHAN THẢO