
Nhìn lại điện ảnh thế giới năm 2005 sẽ thấy xu hướng phát triển của ngành giải trí này chuyển động không ngừng. Nếu Hollywood đầu tư vào dòng phim độc lập thì châu Á lại đổ tiền ra làm siêu phẩm hốt bạc.
Hollywood – phim nhỏ thành công lớn
Năm 2005 là năm đánh dấu sự thành công của các phim nhỏ của Hollywood. Đầu năm, bộ phim độc lập Va chạm với kinh phí 6,5 triệu đô la thu về được 55,4 triệu đô la và có mặt trong danh sách 10 phim xuất sắc nhất năm 2005 của AFI (Viện Điện ảnh Hoa Kỳ).

“Vô cực” của đạo diễn Trần Khải Ca.
Bộ phim tài liệu Hành trình chim cánh cụt bất ngờ thu về 77 triệu đô la tại Mỹ dù kinh phí thực hiện chỉ có 8 triệu đô la. Bộ phim Những kẻ phá đám cưới với kinh phí 40 triệu đô la thu về được 209 triệu đôla, nằm trong top 10 phim ăn khách nhất mùa hè 2005. Bộ phim Trai tân 40 tuổi còn gây tiếng vang hơn khi kinh phí của bộ phim chỉ 25 triệu đô la nhưng đạt doanh thu 109 triệu đô la, lọt vào danh sách 10 phim hay nhất của AFI.
Tại giải Quả cầu vàng, các phim lớn của các đạo diễn từng gây tiếng vang tại giải Oscar như Munich của Steven Spielberg, Hồi ức một geisha của Rob Marshall, King Kong của Peter Jackson đều phải nhường chỗ cho các phim độc lập kinh phí thấp tung hoành. Dãy núi Brokeback của đạo diễn Lý An, Chúc ngủ ngon và chúc may mắn của George Clooney, Capote của Bennett Miller, Lịch sử bạo lực của David Croderberg.
Trung Quốc – uy lực siêu phẩm
Trong khi đó, năm 2005 là năm Trung Quốc cho thế giới thấy nền điện ảnh của họ ngày nay đồ sộ và sang trọng như thế nào. Nếu những năm trước, hình ảnh của điện ảnh Trung Quốc gắn chặt với nông thôn nghèo khổ, với những nỗi sầu bi của cách mạng văn hóa thì ngày nay, hình ảnh của điện ảnh Trung Quốc là võ hiệp kỳ tình sắc màu sặc sỡ.
Đầu năm 2005, bộ phim Tuyệt đỉnh Kungfu của Châu Tinh Trì gây tiếng vang lớn về doanh thu, không chỉ tại châu Á mà còn tiến thẳng vào Hollywood. 3 phim “bom tấn” của Trung Quốc gồm Thất kiếm của đạo diễn Từ Khắc, Thần thoại của Thành Long và Vô cực của Trần Khải Ca không chỉ phá kỷ lục về doanh thu mà còn được “nở mày nở mặt” khi trình chiếu ra mắt tại LHP Venice (Thất kiếm) hay gây xôn xao dư luận tại LHP Cannes (Vô cực) và LHP Pusan (Thần thoại).
Sự thành công của các bộ phim này cũng như hai bộ phim siêu phẩm trước đó của Trương Nghệ Mưu (Anh hùng và Thập diện mai phục) đã buộc Hollywood phải dè chừng thị trường điện ảnh này và các hãng phim lớn của Mỹ thì nhảy vào Trung Quốc để đầu tư.
Hàn Quốc – đỉnh cao của thương mại là nghệ thuật
Nếu những năm trước, hai dòng phim thương mại và nghệ thuật khá tách bạch thì năm 2005, ranh giới này ngày một mờ dần. Ba bộ phim có doanh thu cao hàng đầu Hàn Quốc năm nay đều kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố giải trí và giá trị nghệ thuật. Đầu năm 2005, bộ phim Marathon trước khi trình chiếu hoàn toàn không gây sự chú ý nào cho đến khi nó ra mắt. Câu chuyện xúc động về một cậu bé bị thiểu năng vượt qua số phận với sự bảo bọc và động viên của người mẹ, trở thành vận động viên điền kinh vô địch Hàn Quốc – dựa theo một câu chuyện có thật – xếp thứ ba trong danh sách phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2005.
Bộ phim Chào mừng đến Dongmakgol dẫn đầu doanh thu tại Hàn Quốc cũng chính là bộ phim được cử đi tranh giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Hàn Quốc. Phim xoay quanh một câu chuyện xúc động và đầy tính nhân văn trong thời chiến tranh: hai toán lính Nam – Bắc Hàn và một nhóm lính Mỹ vô tình lạc vào Dongmakgol, một ngôi làng nhỏ hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài và không hay biết gì về chiến sự. Thù hận giữa các phe được hóa giải khi sống chung trong ngôi làng nhỏ với những con người vô tư ở đây…
Bộ phim Thông cảm cho quý bà báo thù với nữ diễn viên Lee Young Ae của đạo diễn Park Chan Wook không chỉ phá kỷ lục doanh thu trong tuần đầu công chiếu mà còn đoạt hàng loạt giải thưởng điện ảnh của Hàn Quốc trong năm vừa qua. 3 bộ phim tiêu biểu này cho thấy, đỉnh cao của phim thương mại chính là nghệ thuật và đỉnh cao của phim nghệ thuật chính là sự chia sẻ với đông đảo khán giả. Đó cũng là hướng đi của điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2005.
PHAN DIÊN ANH