Để được như vậy, từ thời điểm này, người dân sẽ không được phép mang đồ ăn đựng trong hộp nhựa dùng một lần vào các công viên dọc theo sông Hàn, áp dụng với khu vực công viên ở cầu Jamsu, tiếp đến là công viên Ttukseom Hangang và Banpo vào năm 2024; tất cả các công viên dọc sông Hàn từ năm 2025.
Hiện các xe bán đồ ăn tại công viên Banpo Hangang đã thay đổi hộp đựng dùng một lần thành hộp đựng đa dụng. Chính quyền Seoul cũng thông báo sẽ mở rộng dịch vụ nhà hàng zero, tức là những quán đựng thức ăn trong hộp dùng nhiều lần khi giao cho khách đặt món thông qua các ứng dụng, áp dụng với 10 quận trước khi mở rộng ra phạm vi toàn Seoul vào năm 2026.
Theo Korea Times, trước mắt, Seoul sẽ áp dụng chế độ “đặt cọc” khi dùng cốc một lần từ năm 2025. Theo đó, khách hàng sẽ phải đặt cọc 300 won (0,22 USD) khi sử dụng cốc dùng một lần trong các quán cà phê. Người mang theo ly cá nhân đến các quán cà phê để gọi đồ uống sẽ được giảm trực tiếp 300 won theo chế độ giảm giá thêm với cốc cá nhân.
Chế độ này sẽ được thí điểm tại 100 cửa hàng cà phê nội thành Seoul cho đến tháng 11 năm nay và bắt đầu triển khai chính thức từ năm sau. Ước tính, có khoảng 630 triệu cốc nhựa dùng một lần được sử dụng hàng năm tại các quán cà phê ở Seoul.
Theo chính quyền thành phố, việc chuyển đổi sang cốc dùng nhiều lần có khả năng giảm thải lượng khí nhà kính 54 gram/cốc. Thành phố cũng sẽ khuyến khích sử dụng cốc đa dụng tại các cơ sở khác như rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao, nhằm cắt giảm 100 triệu cốc dùng một lần.
Ngoài ra, các công nghệ mới sẽ được đưa vào để hiện đại hóa và tự động hóa các cơ sở phân loại rác tái chế. Để tăng tỷ lệ rác tái chế, Seoul cũng đã quyết định mở rộng hệ thống phân loại riêng biệt chai PET trong suốt và bao ni lông vốn được triển khai từ năm 2021; hỗ trợ đổi rác tái chế lấy túi đựng rác thông thường theo quy định giúp tiết kiệm chi phí mua mới.
Chính quyền Seoul quyết định tăng công suất xử lý của các cơ sở phân loại rác tại quận Eunpyeong, Gangnam và Gangdong vào năm 2024, đồng thời nhân rộng mô hình robot phân loại rác sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang được vận hành tại quận Dobong ra tất cả các cơ sở phân loại rác công cộng trong năm 2026.
Theo thống kê, quá trình xử lý rác thải nhựa đã tạo ra 405.000 tấn khí nhà kính mỗi năm. Để giúp tăng tỷ lệ tái chế, Seoul đã ký kết hợp tác kinh doanh với các công ty kỹ thuật dầu khí và hóa chất để sản xuất nguyên liệu thô bằng công nghệ nhiệt phân, như sản xuất dầu nhiên liệu hoặc vật liệu tái chế từ túi nhựa thải ô nhiễm hoặc rác thải composite. Thông qua các biện pháp này, thành phố đặt mục tiêu hạn chế rác thải nhựa thêm 10% và tăng tỷ lệ tái chế lên 10%. Tỷ lệ tái chế hiện tại ở mức 69% và thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 79% vào năm 2026. Cách tiếp cận toàn diện của Seoul để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa phản ánh những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề cấp bách này.