Trước đó, tối ngày 19-12 trên trang facebook cá nhân mang tên H.H. có đăng tải 2 đoạn clip và một số hình ảnh kèm theo lời dẫn: "Đà Lạt lần đầu tuyết rơi trắng trời, đi làm ko kịp chuẩn bị đồ ấm h (giờ) lạnh cóng người". Sau đó, hàng loạt trang mạng facebook chuyên về du lịch đã chia sẻ, kèm theo đó là những lời dẫn tương tự khiến nhiều người nhầm tưởng Đà Lạt có tuyết rơi thật.
Nhiều người từ các địa phương khác sau khi tiếp nhận thông tin sai sự thật đã lên hẳn kế hoạch đi Đà Lạt để ngắm tuyết rơi.
Qua xác minh, thông tin Đà Lạt có tuyết rơi hoàn toàn không đúng sự thật, hình ảnh và clip đăng tải trên mạng xã hội là hiệu ứng bọt nhân tạo.
Theo luật sư Trần Duy Hưng, đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội quy định việc "Đưa thông tin xuyên tạc và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...." là hành vi bị cấm.
Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, việc tung tin đồn thất thiệt về việc Đà Lạt lần đầu có tuyết rơi lên mạng xã hội nói chung và trang mạng facebook nói riêng cũng như phát tán thông tin không đúng sự thật này lên các trang thông tin điện tử là hành vi trái luật.
Do đó cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 thì người: "Cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân" thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Trường hợp ở đây là đưa thông tin sai sự thật.
Đối với cá nhân nếu vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Nghĩa là mức phạt sẽ từ 10 triệu đến 20 triệu.
Đối với các hành vi đưa các thông tin sai sự thật khác lên mạng xã hội, trang điện tử thì tùy từng hành vi cụ thể có bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.