Báo cáo số 473/BC-CP ngày 5-12-2022 vừa được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thừa uỷ quyền của Chính phủ ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Trưởng Ban soạn thảo dự luật cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế cao hơn đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai quá hạn mức, hoặc để hoang hóa đất đai không sử dụng), cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thể chế hóa trong pháp luật về thuế. Cùng với đó, dự luật đã làm rõ khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”; nguyên tắc định giá đất, việc xây dựng, áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể…
Về bảng giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm, bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Một nội dung quan trọng khác cũng được sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội là phân chia việc sử dụng đất để thực dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại thành 2 nhóm.
Theo đó, dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18, theo đó "giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất".
Trường hợp thứ 2 (sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất) đã được quy định cụ thể tại dự luật. “Các phương pháp định giá đất sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành”, báo cáo cho biết.