Báo SGGP ngày 31-5 và 1-6 đã đăng 2 bài báo Phía sau bức tường bô rác và chốt dân phòng và Không thể bỏ mặc người dân, phản ánh cuộc sống khốn khổ của 5 hộ dân ở đường Mã Lộ (phường Tân Định, quận 1, TPHCM) suốt 18 năm qua sau bức tường của bô rác cũ và chốt dân phòng xây trái phép, bỏ hoang gây ô nhiễm.
Sau khi báo đăng, ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, đã thông tin cho phóng viên Báo SGGP về việc giải quyết vụ việc này.
Trả lời câu hỏi vì sao 18 năm qua người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu và Chi bộ khu phố đã mấy lần kiến nghị về vụ việc này mà chính quyền địa phương không giải quyết, ông Nghĩa cho biết: “UBND phường Tân Định đã gửi nhiều văn bản báo cáo UBND quận 1, đề nghị có chỉ đạo giải quyết việc này. Trong đó, phường đề xuất 2 phương án: Sửa chữa lại chốt dân phòng và xây nhà vệ sinh để phục vụ cho cư dân, vì hiện có 8 hộ dân ở khu vực này không có nhà vệ sinh riêng. Sau khi Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 11 (về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng văn minh đô thị, không xả rác ra đường, không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè), phường thấy việc sửa lại chốt dân phòng là không ổn, cái nào tồn tại không hợp lý là phải điều chỉnh, nên phải báo cáo xin ý kiến quận. Về lâu dài, phải tiến hành chỉnh trang bộ mặt khu vực này, tạo lối đi bộ, vỉa hè cho thông thoáng, tuy nhiên do “lịch sử để lại”, nơi đây vốn là chợ lề đường, nên phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Trước đó, ngày 24-10-2016, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cũng đã có văn bản chỉ đạo “phường kết hợp ban quản lý chợ lấy ý kiến người dân trong khu vực và các hộ đang mua bán để tạo sự đồng thuận trong phương án”.
Trả lời vì sao lại chỉ “đập một nửa chốt dân phòng” như phản ánh của người dân, ông Nghĩa cho rằng: “Đó là cách nói của người dân, còn lãnh đạo phường đã thống nhất tháo dỡ chốt dân phòng đã xuống cấp, nhưng khi cho lực lượng xuống thực hiện thì dân lại cản trở (vì muốn giữ nguyên trạng để quận có cơ sở xem xét giải quyết), nên phường phải báo cáo xin ý kiến quận. Bây giờ nếu dân đồng thuận, phường sẽ làm ngay việc dỡ bỏ chốt dân phòng”.
Phóng viên cũng đã gặp ông Lê Văn Thạnh, Trưởng Ban điều hành khu phố 9. Ông Thạnh cho hay: “Khu vực đó trước năm 1975 là hầm tránh bom, sau là bô rác, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. 18 năm trước, cũng nhờ lập chốt dân phòng này mà tình trạng hút chích ma túy được xóa sổ. Hiện có 24 hộ ở khu vực này, bà con ở cực khổ lắm, có nhà chỉ 4, 5 hoặc 6m2, không nhà vệ sinh. Khu phố đã vận động sửa chữa được 4 nhà tình thương, gắn 24 đồng hồ nước. Tôi ủng hộ việc phường sẽ tháo dỡ chốt dân phòng để đảm bảo vệ sinh khu vực”.
Như vậy, giờ đây chủ trương của phường không khác nguyện vọng của người dân. Vấn đề là cần có cách giải quyết rốt ráo, tìm kiếm sự đồng thuận của người dân. Trước mắt là tháo dỡ chốt dân phòng bỏ hoang, dọn dẹp vệ sinh khu vực, buộc các hộ dân và hộ kinh doanh cam kết không lấn chiếm vỉa hè để tạo lối đi và không gian thông thoáng.