Liên quan về việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi, chiều 30-5, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, Theo công văn số 1739/SVHTT-QLDSVH ngày 17-5, Sở Văn hóa và Thể thao đã đánh giá "Cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triến của Sài Gòn - TPHCM và của ngành đường sẳt Việt Nam". Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng thành phố, Ban Quản lý dự án 7, Phân Ban Quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt khu vực III, UBND quận Bình Thạnh, Thủ Đức và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thống nhất nội dung bảo tồn toàn bộ cầu đường săt Bình Lợi là không khả thi.
Do các yếu tố như không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn (đường thủy nội địa cấp III); các trụ cầu đã hư hỏng được sửa chữa gia cố nhiều lần, có 2 nhịp cầu đã được thay bằng kết cấu mới vào năm 1963, năm 1975; thiếu mặt bằng để lưu giữ; chi phí bảo quản...). Nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn, thành phố chỉ bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm 2 nhịp cầu giáp bờ phía quận Thủ Đức, trong đó có 1 nhịp cầu quay và 1 tháp canh đầu cầu phía quận Thủ Đức).
Theo Sở GTVT, Bảo tàng thành phố không có điều kiện mặt bằng để lưu giữ nhịp, dầm cầu và các cấu kiện khác, về nhu cầu quay phim, chụp hình trong quá trình tháo dỡ cầu Bình Lợi (các hạng mục không bảo tồn), Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi (Nhà đầu tư) sẽ hỗ trợ Bảo tàng thành phố thực hiện. Đồng thời, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Bảo tàng thành phố trong việc thu thập thông tin, tài liệu về hồ sơ thiết kế cầu. Đối với các kết cấu cầu Bình Lợi đề nghị bảo tồn, hiện nay, cầu Bình Lợi là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đang được Tổng Công ty đường sắt Việt Nam quản lý, do đó sở đề nghị đơn vị này tiếp tục có kế hoạch quản lý, bảo tồn. Sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi, phạm vi khu vực cầu đường sắt Bình Lợi cũ (phía bờ quận Bình Thạnh), sở đề xuất giao cho Khu Quản lý đường thủy nội địa nghiên cứu xây dụng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy.
Cầu Bình Lợi nằm trong khu ga Bình Triệu - Gò Vấp, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, thuộc địa bàn TPHCM, cầu được xây dựng từ những năm đầu 1900, có chiều dài 280,4m bắc qua sông Sài Gòn. Năm 1902, cầu đưa vào khai thác gồm 6 nhịp dàn thép vòm mạ cong. Mặt cầu được thiết kế đi chung đường sắt - đường bộ (QL1A cũ). Nhịp cầu được đặt trên 2 mố và 6 trụ đá xây trên móng giếng chìm. Năm 1963, nhịp 5 (62m) bị chiến tranh làm hư hỏng và được thay thế bằng 2 nhịp thép giản đơn. Sơ đồ nhịp cầu thay đổi thành 7 nhịp. Năm 1975, nhịp 4 (62m) bị chiến tranh làm hư hỏng và được thay bằng nhịp dàn thép thẳng. Trong chiến tranh và những năm sau chiến tranh, cầu được gia cố nhiều hạng mục như móng, bọc thân các trụ, các kết cấu bộ phận của các nhịp dàn thép (thay chi tiết, gia cố thay đinh tán, gia cố táp và bản thép...) do bị hư hỏng bởi bom mìn, hư hỏng do tác động bởi môi trường... Các nhịp 1, 2, 3 và 6 chỉ còn nguyên hình dạng vòm vành lược, nhiều chi tiết thép đã được thay thế qua nhiều thời kỳ. Nhịp 4 và nhịp 5 đã thay đổi cả hình dạng, không phải nhịp nguyên dạng ban đầu. Tuy nhiên, bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh, còn tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948". Năm 2006 đến nay 2 nhịp giản đơn được thay thế bằng 1 nhịp dàn thép thẳng 62m. Sơ đồ nhịp cầu trở lại 6 nhịp như ban đầu nhưng kết cấu nhịp 4 và nhịp 5 đã thay đổi.
Dự án xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi thay thế cho cầu đường sắt Bình Lợi cũ với khoang thông thuyền cầu mới đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa cấp III, đáp ứng cho các phương tiện thủy có tải trọng 2.400DWT lưu thông qua cầu an toàn.
Theo dự án được duyệt, sau khi xây dựng xong cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ tháo dỡ cầu đường sẳt Bình Lợi cũ để đảm bảo luồng giao thông thủy trên sông Sài Gòn.