Sẽ tháo dỡ các lều quán dựng trái phép tại ghềnh đá Nam Ô
SGGPO
Nhiều tháng qua khu vực bãi biển ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) xuất hiện gần 20 quán nhậu, quầy hàng buôn bán tự phát của người dân địa phương khiến rác thải phát sinh rất nhiều gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó tình hình an ninh cũng trở nên phức tạp.
Bãi Rạn trở nên nổi tiếng với giới trẻ Đà Nẵng và du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và mượt mà của những phiến đá rêu xanh mướt
Gềnh đá Nam Ô (hay còn gọi là Bãi Rạn Nam Ô) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 17km. Vài năm gần đây, bãi Rạn trở nên nổi tiếng với giới trẻ Đà Nẵng và du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và mượt mà của những phiến đá rêu xanh mướt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, bãi Rạn đang đối diện với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ hoạt động du lịch tự phát. Rất đông du khách đến tham quan dã ngoại, cùng với đó là hơn 20 quán nhậu cũng đua nhau mọc lên. Hậu quả là lượng rác thải như chai nhựa, bao ni lông… vứt bỏ khắp nơi.
Hơn 20 hàng quán nhậu tự phát mọc lên bên bờ bãi Rạn
Không chỉ vậy, tình hình an ninh của khu vực cũng trở nên lộn xộn do các quán tranh giành khách; đã có tình trạng đánh đuổi, cự cãi qua lại, thậm chí đốt lều quán của nhau do mâu thuẫn trong buôn bán, mời chào khách.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã ra quân chấn chỉnh, đẩy đuổi hoạt động buôn bán tự phát khu vực bãi Rạn nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Người dân tiếp tục đổ cát vào bao kê sạp buôn bán và dựng lều mặc dù thành phố đã chỉ đạo tháo dỡ
Ông Nguyễn Em (72 tuổi), người dân địa phương hành nghề giữ xe khách tham quan ghềnh đá thừa nhận, khi lực lượng trật tự của phường xuống thì ông giở lều, sau khi phường rút đi ông lại dựng lều lại đón khách.
Ông Em cho rằng, dù biết việc làm của mình không đúng do dựng lều giữ xe trái phép trên đất dự án, nhưng vì mưu sinh nên phải làm để kiếm thêm vài đồng chợ búa. Bình quân mỗi ngày ông kiếm được 200.000n đồng, ngày lễ hoặc cuối tuần thì khá hơn, khoảng 300.000 đồng.
“Bà con ở đây ai cũng khổ cực, thấy đất dự án để hoang không làm nên tranh thủ ra buôn bán, giữ xe cho khách kiếm vài đồng, khi nào dự án triển khai thì tụi tôi giao đất lại. Thật tình bà con cũng rất muốn nhà nước giữ lại ghềnh đá để chúng tôi còn có cái mưu sinh”, ông Em chia sẻ.
Khi lực lượng trật tự của phường xuống thì người dân dỡ lều, sau khi lực lượng của phường rút đi thì người dân lại dựng lều đón khách
Tương tự, ông Ngô Văn Học, sống cách bãi Rạn vài trăm mét cũng tranh thủ dựng lều buôn bán. Ông Học khẳng định, nếu nhà đầu tư triển khai dự án người dân sẽ giao đất ngay lập tức.
“Chúng tôi cũng chỉ dựng vài tấm bạt buôn bán nhỏ lẻ, khi nào dự án thực hiện chúng tôi sẽ nghỉ liền. Còn chuyện khách khứa xả rác ra bãi khi ăn uống bà con cũng có thu lượm nhưng không thể hết”, ông Học thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, hiện có khoảng 22 hộ dân địa phương đang kinh doanh tự phát tại ghềnh đá Nam Ô, hầu hết nằm trong phạm vi ranh giới đất dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô của Tập đoàn Trung Thủy. Sắp đến thành phố sẽ làm việc chính thức với Tập đoàn Trung Thủy để điều chỉnh quy hoạch, trong đó sẽ trừ diện tích mỏm Nam Ô ra. Sau đó quận sẽ có hướng giao cho doanh nghiệp tham gia phối hợp với địa phương quản lý bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự.
Dấu tích còn lại của việc giành khách rồi đốt lều của nhau
“Thành phố đã có văn bản yêu cầu tháo dỡ các lều quán dựng trái phép khu vực ghềnh đá nên quận sẽ chỉ đạo phường ra quân tháo dỡ trong các ngày tới. Khi có quyết định chính thức của thành phố thì quận sẽ tìm một vị trí nào đó để bố trí người dân buôn bán cho bài bản, văn minh. Thật sự, bản thân tôi cũng mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho người dân buôn bán hưởng lợi từ những gì thiên nhiên ban tặng. Nhưng với điều kiện người dân phải cam kết chấp hành chủ trương và thực hiện theo hướng dẫn của địa phương”, ông Nhường cho biết.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Thủy, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô bày tỏ, quan điểm của doanh nghiệp là người dân và du khách sẽ thoải mái tham quan du lịch tại ghềnh đá, nhưng phải bảo vệ môi trường, phải giữ được vẻ đẹp thiên nhiên vốn có.
“Tôi nghĩ thành phố cần phải phối hợp với các đơn vị, chuyên gia môi trường để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo vệ; tránh tình trạng lộn xộn, nhếch nhác và nguy cơ về an toàn xã hội như thời gian qua”, bà Tuyết tâm sự.
Mới đây, Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sau khi kiểm tra thực tế dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam O Resort) và ghềnh Nam Ô, đã chỉ đạo các cấp ngành liên quan phải di dời tất cả hàng quán dựng trái phép khu vực ghềnh đá Nam Ô trước ngày 15-4-2019.