Liên quan đến nội dung này, ông Nhất cho biết, đơn vị có kế hoạch đi kiểm tra thực tế và làm việc với Sở TN-MT, UBND huyện Kon Plông về vụ việc, sau đó sẽ có buổi làm việc với chủ đầu thuỷ điện Đăk Re để có hướng xử lý chính thức.
Cũng theo ông Nhất, theo văn bản của Bộ Công thương đối với công trình thủy điện đang thi công thì phải rà soát lại. Hiện kênh thông hồ của Thuỷ điện Đăk Re đang trong giai đoạn thi công. Nếu không ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân cư tại vùng dự án thì cho tiếp tục được. Nếu trong trường hợp ảnh hưởng lớn đến dân cư, môi trường trong vùng dự án, thì sẽ phải nghiên cứu, xem xét, có thể loại bỏ phần kênh thông hồ.
Cũng liên quan đến Thủy điện Đắk Re, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký văn bản thống nhất danh mục các công trình thủy điện vừa và nhỏ cần tiến hành thanh, kiểm tra trong năm 2021 về việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư trong việc xây dựng, quản lý, vận hành công trình theo đề nghị của Sở Công thương.
Theo đó, có 16 dự án thủy điện được UBND tỉnh thống nhất thanh tra trong năm 2021 theo đề nghị của Sở Công thương, trong đó có Thủy điện Đắk Re. Nội dung đề cương thanh tra gồm các vấn đề như: Tình hình triển khai thực hiện đầu tư dự án; công tác quản lý chất lượng; kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tận thu khoáng sản; thực hiện phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án; công tác phòng chống lụt bão; công tác an toàn; phòng chống cháy nổ…
Trước đó, như Báo SGGP Online đã phản ánh, trong quá trình thi công san ủi các hạng mục kênh thông hồ, tuyến đường công vụ và khu vực đập lòng hồ 3 thuộc thủy điện Đắk Re (do Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư) gặp mưa, bão gây bồi lấp, ngập úng, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất và vùi lấp ruộng, ao cá của người dân trên địa bàn xã Hiếu. Nhiều diện tích bị vùi lấp khiến người dân không sản xuất được.
Dự án triển khai tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Chỉ riêng tại Kon Tum, để triển khai dự án, từ năm 2016 đến năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum có ít nhất 3 quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty cổ phần thủy điện Thiên Tân thuê đất để xây dựng. Chỉ riêng Quyết định 239 (năm 2016) thì diện tích thu hồi chuyển mục đích là hơn 153ha. Trong đó, đất rừng sản xuất là hơn 95ha do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý; đất rừng phòng hộ là hơn 7,6ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham quản lý…