Ngày 3-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự án luật gồm 10 điều, thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; lấy đầu tư công, nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, dự án luật sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả cũng như tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán (bao gồm các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ; công ty đại chúng; sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ đợt chào bán)...
Đối với lĩnh vực quản lý thuế, dự án luật sửa đổi, bổ sung các quy định về mức tiền phải trả lãi; thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc quản lý thuế; hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp...
Dự án luật cũng sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ; quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên.
Tổng kết nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật để tháo gỡ ngay những vấn đề đang vướng mắc, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 38 tới đây. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban sẽ xây dựng báo cáo thẩm tra chính thức, gửi xin ý kiến các thành viên của Ủy ban.