Sẽ sử dụng súng, công cụ hỗ trợ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
SGGPO
Vụ tai nạn chết người trong lễ hội Chọi trâu ngày 11-7 là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho không chỉ các nhà quản lý ở Đồ Sơn, Hải Phòng, mà còn ở cả các địa phương khác.
Tại buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội ngày 7-9, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng khẳng định sẽ sử dụng súng và các công cụ hỗ trợ đặc biệt để ngăn chặn các diễn biến bất thường trong chọi trâu, đảm bảo an toàn cho lễ hội.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cũng cho biết, nhiều năm qua chưa hề có sự cố nghiêm trọng nào trong các lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn vì bản chất của trâu luôn tránh khi thấy người.
Dưới một góc nhìn khác, GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa cũng lên tiếng không đồng tình với nhận định cho rằng Lễ hội Chọi trâu là phản cảm, man rợ, kích động bạo lực…
GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Ai nói xem chọi trâu là kích động bạo lực là nhầm. Đấy chính là cách giải tỏa xung đột!”.
Theo ông Vũ Minh Giang, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới người ta tổ chức các cuộc đấu để giải tỏa xung đột và các cuộc thi đấu tại Olympic cũng mang ý nghĩa như vậy.
Ông dẫn chứng: “Tôi đã từng sang nước Nhật và thất kinh bởi chứng kiến một khu vực rộng có cảnh sát đứng canh ngoài hàng rào, phía trong đó có những người đang đập phá, đánh nhau vỡ đầu. Tôi hỏi có chuyện gì thế này, song họ trả lời rằng không phải vậy, những người trong đám hỗn loạn đó phải mua vé vào đánh nhau. Nhật Bản tổ chức đánh nhau, cho đập phá để giải tỏa… đó là tự nguyện.
Nhìn ra thế giới như đấu bò tót hay như Canada còn có Lễ hội Cưỡi bò điên. Phải chọn những con bò điên thật, trói hờ để nó lồng lên rồi ngồi lên lưng những con bò đó, ai ngồi lâu thì thắng. Cưỡi bò điên rất nguy hiểm và theo thống kê từ khi tồn tại đến nay đã có cả trăm người chết.
Hay như Lễ hội Lao từ trên dốc xuống để đuổi cướp một cái bánh pho mát thì chết người khủng khiếp lắm. Người tham gia phải lao theo những cái bánh khổng lồ đó để chộp giữ, rồi ngã đè lên nhau, trầy chân, gãy tay… nhưng người xem thích, rất đông…”.
Ông cũng cho rằng quyền tham gia trò chơi là tự nguyện, lễ hội làm phong phú thêm đời sống của người ta và mình không thể dùng cách này hay cách kia để dừng… "Không thể phê phán cái này là man rợ, là ngu ngốc… Văn hóa là thế!" - TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông, dù Bộ VH-TT-DL có muốn hay không muốn, Hội đồng Di sản có ra quyết định nọ kia thì Lễ hội Chọi trâu vẫn là di sản văn hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng cần ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực để Lễ hội Chọi trâu thực sự là hoạt động mang màu sắc văn hóa. Ảnh: MAI AN
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đồng thuận cho rằng sẽ tiếp tục duy trì lễ hội này, tuy nhiên, phần lớn các nhà văn hóa cho rằng không thể duy trì cách tổ chức như bấy lâu nay.
“Tôi ủng hộ tiếp tục Lễ hội Chọi trâu, không những thế cần tiếp tục từ đời này sang đời khác. Về giải pháp cho Lễ hội Chọi trâu, tôi thấy chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, sát sao hơn nữa. Không để cho Lễ hội Chọi trâu bị biến tướng thành thương mại hóa lễ hội”- Giáo sư Tô Ngọc Thanh nói.
Cùng quan điểm này, song nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền gay gắt phản đối hiện tượng giết và xẻ thịt trâu chọi bán ngay sau khi trận đấu đấu xảy ra.
Theo ông Trần Lâm Biền, điều này là biểu hiện của sự “bần tiện hóa” trong lễ hội…
Bên cạnh đề nghị duy trì lễ hội này, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc phải chấn chỉnh công tác tổ chức không thể mập mờ đánh lận con đen mà phải xác định rõ đâu là lễ hội truyền thống đâu là sự kiện diễn ra ở sân vận động để có phương thức quản lý cho phù hợp.
Thậm chí có ý kiến đề xuất phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa cách thức tổ chức “chọi trâu” tại sân vận động ở Đồ Sơn để mọi việc diễn ra an toàn, minh bạch.
Kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cũng đưa ra một số đề nghị cụ thể, như: Thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội này.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, giá trị của lễ hội không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ mà cần phải tổ chức cho đúng với tính chất của một lễ hội văn hóa, thay vì tổ chức các vòng đấu loại thì chỉ đấu một trận duy nhất đúng như hồ sơ di sản đã được phê duyệt.
Thêm nữa, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị địa phương phải có phương án tình thế đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, gian lận thương mại như chặt chém, nâng khống giá của trâu, các hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận “ngầm”… trong trận chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-8 âm lịch sắp tới.
Đặc biệt, đơn vị tổ chức cũng cần có các phương án an toàn, chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như súng gây mê, dụng cụ chuyên dụng… để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong lễ hội này.