Chiều 7-9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã thông tin về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15%.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tính đến 26-8, dư nợ tín dụng tăng 7,75%, trong khi mục tiêu cả năm đặt ra là khoảng 15%. Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn (thời điểm này của năm 2023 mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%).
“Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế, chúng tôi tin rằng chúng ta có khả năng đạt được 15%”, ông Đào Minh Tú nói. Mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, nhưng quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Trong số các giải pháp để tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tỷ giá rất ổn định. Mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. NHNN sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài.
Bên cạnh đó, những gói tín dụng ưu đãi như gói 140.000 tỷ đồng (vì có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm) cũng như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ đồng, đạt 36.000 tỷ đồng. NHNN sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Song song, gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành giảm 3%; thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.
Với những giải pháp đồng bộ, NHNN cho rằng, cuối năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục góp phần cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 - 7%.
Cũng tại họp báo, báo chí nêu một số trường hợp trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chấn chỉnh. Trả lời về giải pháp để quản lý đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân thông tin, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024 đã diễn ra một số cuộc đấu giá như dư luận quan tâm vừa qua.
Thứ trưởng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Luật Đất đai để đảm bảo đưa luật đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả, mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước. Trong đó có nội dung về giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau khi có thông tin dư luận báo cáo về trường hợp đấu giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó có trường hợp cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát, đánh giá để tìm các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp. Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN-MT cũng đã chủ động thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với UBND TP Hà Nội rà soát, xem xét, đánh giá các cuộc đấu giá đó.
Qua kiểm tra, bước đầu cho thấy việc trúng đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm là đúng thực tế, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xu hướng tăng giá chung của thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi. Một lượng giá giao dịch tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp từ đầu năm 2024, đặc biệt là đối với các bất động sản có pháp lý rõ ràng, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các khu vực quy hoạch phát triển đô thị đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như các huyện Hoài Đức và Thanh Oai (là khu vực mà người dân và nhà đầu tư tham gia đấu giá).
Thực hiện công điện của Thủ tướng, Bộ TN-MT đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan để tiếp tục có những thông tin, tài liệu cung cấp, sẽ có những buổi làm việc đảm bảo đánh giá tác động nhiều chiều, ý kiến của nhiều cơ quan trên cơ sở nhiều quy định của pháp luật để tìm ra nguyên nhân rồi đề xuất giải pháp.
“Nếu như sau khi đánh giá mà phát hiện ra các nguyên nhân do lỗi từ cơ chế chính sách và có tính phổ quát, ảnh hưởng đến việc đấu giá quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước thì chúng tôi sẽ đề xuất tham mưu phương án cho các cấp chính quyền sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật”, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho hay.
Trường hợp không phải lỗi do cơ chế chính sách mà lỗi do quá trình tổ chức thực hiện thì bộ sẽ đề xuất và tham mưu để các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cùng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các phương án đấu giá, xác định giá đất và tổ chức đấu giá đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo ổn định tình hình trong thực hiện đấu giá đất.