Sẽ không nhấn chìm 2,5 triệu m³ chất thải ra biển Hòn La

Ngày 15-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết ông không đồng tình với phương án nhận chìm 2,5 triệu m3 đất cát nạo vét cảng nhận than của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I ra biển Hòn La.

Diễn tiến sự việc này đã được báo SGGP thông tin liên tục trong các số báo trước đó.

Theo đề xuất, một góc thôn Vĩnh Sơn giáp biển sẽ nhận đất cát nạo vét cảng than


Sử dụng 2,5 triệu m³ đất cát nạo vét

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cho biết, từ phản ánh của Báo chí, tiếp thu các góp ý khoa học, ông đã có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban quản lý dự án (BQLDA) rằng việc nhận chìm 2,5 triệu m³ đất cát từ việc nạo vét cảng nhập than cho nhà máy ra biển Hòn La là hoàn toàn không hợp lý. Phải chọn phương án tối ưu nhằm bảo vệ môi trường biển.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc BQLDA Nhiệt điện 2 của EVN - đơn vị phụ trách dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, khẳng định đơn vị hiện không xem việc nhận chìm 2,5 triệu m³ đất cát ra biển Hòn La là phương án tốt nhất. Toàn bộ đất cát nạo vét cảng sẽ dùng cho san lấp khu vực vùng rìa giáp biển của nhà máy. Trước đây khu dân cư thôn Vĩnh Sơn xã Quảng Đông nằm trong khuôn khổ di dời của dự án nhà máy đóng tàu Vinashin, nhưng nay dự án đã không thực hiện nên BQLDA Nhiệt điện 2 sẽ lên phương án di dời khu dân cư thôn này, sau đó san lấp, tận dụng toàn bộ 2,5 triệu m³ đất cát nạo vét cảng nhập than. Ông Thành cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đã thống nhất chủ trương chung, các phòng ban đang tính toán, thuê tư vấn đánh giá tác động môi trường, sau đó trình các cơ quan quản lý địa phương và Trung ương phê duyệt. Đây là phương án khả thi hơn”. Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, xác nhận di dời toàn bộ thôn Vĩnh Sơn đến một vùng đất mới là đề xuất của EVN và huyện ủng hộ việc này nhằm tạo sinh kế cho người dân. Việc nằm trong quy hoạch của nhà máy đóng tàu Vinashin gần 10 năm qua khiến người dân khó khăn trong xây dựng nhà ở và làm ăn. Huyện và Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Bình đang làm đề án tạo sinh kế cho người dân khi di dời, với kinh phí do EVN chịu trách nhiệm toàn bộ. 

Nguy cơ vượt chuẩn khói bụi

Theo bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN-MT ký duyệt với Nhiệt điện Quảng Trạch I, khi nhà máy vận hành, thì: “Theo kết quả tính toán cho thấy khu vực có nồng độ chất ô nhiễm cao nhất là khu vực phía Tây Bắc tính từ chân ống khói và cách chân ống khói về phía này là 8 - 10 km. Các khu vực khác bị ảnh hưởng nhẹ hơn đó là khu vực phía Bắc, Đông Nam và Tây Nam, với khoảng cách trung bình 2 - 8 km tính từ chân ống khói. Nồng độ trung bình 1 giờ, 24 giờ và năm của bụi luôn nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép trong QCVN 05:2013/BTNMT. Đối với khí SO2 và NOx, do ảnh hưởng của địa hình nên nồng độ chất ô nhiễm tập trung cao tại khu vực vùng núi nằm ở cuối hướng gió Đông Nam tính từ chân ống khói và có nguy cơ vượt tiêu chuẩn cho phép được quy định trong QCVN 05:2013/BTNMT” (tại trang 240).

Trang 242 khi đề cập Nhiệt điện Quảng Trạch có 2 nhà máy như quy hoạch có viết: “Trường hợp khi 2 nhà máy cùng hoạt động với tải lượng phát thải như nhau, kết quả tính toán cho thấy, khu vực chịu tác động và nồng độ các chất gây ô nhiễm lớn hơn so với trường hợp chỉ có 1 nhà máy hoạt động. Vị trí nồng độ các chất ô nhiễm đạt cực đại cũng tương tự như trong trường hợp 1 nhà máy. Tuy nhiên, khu vực chịu ảnh hưởng bởi khói thải trong trường hợp 2 nhà máy phân bố rộng hơn. Với phạm vi bán kính trung bình khoảng 8 - 10km từ các phía. Đặc biệt, khu vực chịu ảnh hưởng lan rộng nhất với khoảng cách 20km tính từ chân ống khói về phía Tây Bắc và khoảng 8 - 15km về phía Đông Nam”. Trong trường hợp nhà máy vận hành đốt than hoàn toàn thì mỗi năm lượng phát thải CO2 là 6.935.669 tấn/năm. 

Các chuyên gia lo ngại với tro xỉ khi nêu trong ĐTM: “Nguồn chất thải rắn lớn nhất và khó giải quyết nhất của Nhiệt điện Quảng Trạch I là tro xỉ thải ra trong quá trình đốt với khối lượng khoảng 183.846 tấn/năm. Đây là nguồn tiềm ẩn nhiều tác động không mong muốn đến chất lượng đất, nước và không khí khi khai thác, bị rò rỉ và quản lý không đúng quy định. Mức độ tác động thường được đánh giá là lớn và trong nhiều trường hợp là nghiêm trọng. Do vậy, ngoài việc phải áp dụng các biện pháp quản lý và giảm thiểu tác động đối với bãi thải, còn đòi hỏi phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tận dụng tro xỉ nhằm giảm tác động. Với khối lượng lớn như vậy sẽ gây ra các tác động đến môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm nếu không được thiết kế, vận hành tốt trong quá trình lưu giữ và khai thác sử dụng tro xỉ”. Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, các nhà máy xi măng đã cam kết tiêu thụ tro xỉ của Nhiệt điện Quảng Trạch.

Cần hài hòa với các di tích văn hóa lịch sử

+ Nhiệt điện Quảng Trạch I nằm trong khu vực có nhiều di tích lịch sử văn hóa bản địa, như cách 2km đối với đền thờ Liễu Hạnh công chúa, cách 3km đối với mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách 4km với Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến. Nhìn trên bình diện văn hóa, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam tỉnh Quảng Bình, đánh giá: “Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và bất cứ quốc gia nào hay địa phương nào cũng quan tâm đến vấn đề đó. Việc đầu tư một nhà máy nhiệt điện phát triển kinh tế, làm “bà đỡ” cho phát triển văn hóa sau này là vấn đề đúng không có gì sai. Tuy nhiên, nhiệt điện tác động lớn đến môi trường. Vì vậy, để vừa bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, vừa được phát triển kinh tế thì phải đảm bảo những vấn đề cơ bản. Một là vai trò quản lý nhà nước đối với đánh giá tác động môi trường thật kỹ trong quá trình dự án. Hai là yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu phát tác chất thải khí và chất thải rắn”.

+ Nhiệt điện Quảng Trạch I được làm bằng công nghệ đốt than truyền thống siêu tới hạn, vốn đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng, dự kiến tổ máy số 1 phát điện vào năm 2021. Nhiệt điện Quảng Trạch II theo quy hoạch sẽ xây dựng sau khi dự án I hoàn thành, với công suất tương tự. Theo nghiên cứu điều tra sinh học, trong khu vực có loài chim diều hoa Miến Điện cần được bảo tồn. Dưới biển, liên quan dự án có 27 loài rong biển, thuộc 4 ngành. Đặc biệt, phát hiện 45 loài san hô thuộc 7 họ; trong đó, 2 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (Acropora aspera và Porites lobata).

Ảnh hưởng biển như thế nào?

Theo các tính toán của ĐTM tại trang 265: “Hoạt động lấy nước làm mát với lưu lượng khoảng 53,5m³/s như của dự án sẽ làm tăng nguy cơ thay đổi chế độ dòng chảy khu vực ven bờ, gây biến đổi đường bờ và đáy biển. Theo tính toán dự báo từ mô hình cho thấy vùng biến đổi theo chiều hướng bồi tụ là khu vực cửa nhận nước, vùng có xu hướng xói là khu vực cửa xả nước nằm ở mũi độc, ngoài đê chắn sóng. Tác động này có chiều hướng tăng hơn khi có hoạt động của cả Nhiệt điện Quảng Trạch II vào hoạt động. Ngoài ra, với lưu lượng lấy nước làm mát của nhà máy có khả năng gây ảnh hưởng đến vùng hoạt động của các loài tôm cá trong vùng, vì ấu trùng, trứng tôm, cá con và cá, động vật phiêu sinh có thể bị hút theo dòng nước vào máy bơm do dòng xoáy áp lực tạo ra khi bơm. Áp lực này sẽ làm các loài thủy sinh bị va đập, rong rêu, trứng và ấu trùng nếu bị cuốn vào đường ống sẽ bị chết do hóa chất khử trùng được bổ sung vào đường ống”.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo trong ĐTM rằng: “Theo kết quả tính toán độ chênh nhiệt độ nước trước và sau làm mát bình ngưng tăng thêm khoảng 7oC. Sau khi đi qua hệ thống khử FGD, nhiệt độ nước tăng lên 0,45oC, do đó chênh lệch nhiệt độ giữa cửa lấy nước và cửa xả là 7,45oC. Cơ chế ảnh hưởng nhiệt của loại nước thải này là gây sốc nhiệt, thay đổi lượng ôxy hòa tan làm thay đổi sự phân bố và cấu trúc sinh vật trong quần thể ở khu vực này. Nếu nhiệt độ nước có sự thay đổi không lớn, nước có khả năng hấp thụ nhiệt và hầu hết các sinh vật sẽ phát triển hệ thống enzyme nhằm thích ứng với sự thay đổi nhỏ về nhiệt độ của môi trường. Nhưng nếu nhiệt độ nước có sự thay đổi lớn, các sinh vật kém thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ môi trường có thể bị chết do không thích ứng được. Ngoài ra, việc tăng nhiệt độ sẽ làm tăng tốc độ phân hủy các chất hữu cơ trong nước, gây giảm lượng ôxy hòa tan trong nước. Sự suy giảm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước còn do tăng hoạt động trao đổi chất và vận động của các sinh vật thủy sinh do tăng nhiệt độ trong nước. Tác động từ nước thải của hệ thống làm mát của nhà máy làm nhiễu loạn các hoạt động của thủy sinh vật”.

Nhằm kiểm soát các hoạt động của nhà máy khi đưa vào vận hành và trong quá trình xây dựng, ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, cho biết bảo vệ môi trường là nhu cầu cao nhất, do đó Bộ TN-MT đã yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống tiếp nhận than và các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu khác phục vụ dự án; bãi lưu giữ tro, xỉ của dự án phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh và các yêu cầu khác về an toàn, vệ sinh môi trường. Các thông số dữ liệu về chất lượng khí thải, nước thải phải được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online (CEMS) truyền số liệu về Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình 24/24 giờ để giám sát liên tục.

Tin cùng chuyên mục