Sài Gòn - Mỹ Tho, tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng năm 1881. Sau 73 năm tồn tại, năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Sài Gòn cũ cho ngưng chạy tàu và đến nay toàn bộ tuyến đã bị tháo dỡ.
Để đón đầu nhu cầu vận tải phát triển nhanh giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, tuyến đường sắt lịch sử này đang được Bộ GT-VT chính thức nghiên cứu xây dựng lại. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2010 và hoàn thành năm 2015.
Theo tính toán của Cục Đường sắt Việt Nam (được giao làm chủ đầu tư dự án), tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho sẽ được khôi phục lại với tổng mức đầu tư dự kiến là 7.072 tỷ đồng. Tuyến sẽ được bắt đầu từ ga Sóng Thần đi qua các tỉnh Bình Dương - TP Hồ Chí Minh - Long An và Tiền Giang với độ dài 87km, sử dụng khổ đường 1m. Trong đó, đoạn An Bình – Tân Kiên dài 30,5km làm đường đơn, đoạn Tân Kiên – Mỹ Tho xây dựng đường đôi. Hiện nay, cơ quan thiết kế đang đề xuất làm thêm tuyến đường sắt nối từ ga Hòa Hưng đến ga Tân Kiên để thuận tiện trong việc tiếp nối với các chuyến vận chuyển hành khách Bắc - Nam.
Trước đây, khi được người Pháp xây dựng, Sài Gòn – Mỹ Tho là tuyến đầu tiên của kế hoạch hình thành hệ thống đường sắt nối vào hệ đường sắt quốc tế, dự định như sau: Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau; tuyến Cần Thơ - Châu Đốc - Phnôm Pênh - Bat Đom boong - Bangkok - Miến Điện - Ấn Độ và các nước Trung Đông...
Thế nhưng do chiến tranh nên các tuyến liên vận quốc tế này đã không được xây dựng. Đến nay, khi đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho được khôi phục lại, nhiều ý kiến cũng tỏ ra thắc mắc trước hiệu quả của dự án này. Khu vực ĐBSCL có lợi thế giao thông thủy vừa rẻ vừa thuận tiện. Bên cạnh đó, đường bộ cũng rất phát triển sắp có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Vậy làm đường sắt tại khu vực này để làm gì?
Theo giải thích của ông Nguyễn Kim Lăng, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông phía Nam (Tedi South - tư vấn của dự án), đoạn Sài Gòn – Mỹ Tho chỉ là dự án thành phần của cả tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho – Cần Thơ trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2020. Trong tương lai, sẽ nối tiếp 350km từ Cần Thơ đến Cà Mau để hình thành trục đường sắt xương sống chạy dọc đất nước. Ngoài việc vận chuyển hàng hóa, đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho còn có vai trò như một tuyến vận chuyển công cộng có sức chở lớn, hiệu suất cao.
Một vấn đề đang gây tranh cãi khác là đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho sẽ được làm theo khổ 1m. Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường sắt Thống Nhất với khổ đường 1m hiện nay đã rất lạc hậu với nhiều nước trên thế giới, tại sao tuyến đường mới được quy hoạch đến năm 2020 lại không sử dụng khổ đường chuẩn 1,435m nhằm bảo đảm tốc độ và an toàn chạy tàu?
Theo ông Nguyễn Bùi Nam, Phó phòng KHĐT Cục Đường sắt Việt Nam, khổ đường sắt khi xây dựng mới phải đảm bảo kết nối thuận tiện với đường sắt đã có tại khu vực. Tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho dự kiến kết nối trực tiếp với đường sắt Thống Nhất có khổ 1m, và trong tương lai sẽ kết nối với đường sắt xuyên Á có cùng khổ đường nên xác định như vậy là phù hợp. Tuy vậy, dự án cũng làm sẵn hạ tầng, nền đường, mố trụ theo khổ đường chuẩn (1,435m), để khi nào cần mở rộng, chỉ cần thay tà vẹt, thanh ray là có thể đổi được khổ đường.
HÀM YÊN