Ngày 24-8, tại Hưng Yên, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức hội nghị trực tuyến “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc” và khai trương, chính thức vận hành hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. Hội nghị được kết nối tới hơn 700 điểm cầu với sự tham gia của hơn 16.500 đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu bảo đảm cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân cũng như sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 đã sớm hoàn thành. Mạng lưới kinh doanh dược cũng đã phát triển mạnh mẽ; góp phần đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận thuốc với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng thuốc kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ…
Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm đưa vào triển khai hệ thống trên toàn quốc để phục vụ người dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ, quản lý thuốc ở Việt Nam hiện còn lỏng lẻo, tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao so với thế giới; tình trạng mua thuốc không kê đơn quá dễ dàng; giá thuốc hiện chỉ cao hơn một nước trong khu vực ASEAN, nhưng phải phấn đấu đưa xuống thấp nhất khu vực. Việt Nam cần phải sớm khắc phục tình trạng này bằng việc kết nối các nhà thuốc để quản lý chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng và so sánh giá thuốc, một mặt tối ưu hóa việc kinh doanh, mặt khác đem lại lợi ích nhiều hơn cho người dân. Khi sử dụng hệ thống này, người dân có thể tra cứu, truy xuất được nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng; nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng…
“Phải làm rất nhanh, lợi cho dân ngày nào phải làm sớm ngày đó”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đại tá Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết, ứng dụng CNTT sẽ trở thành công cụ đắc lực, giúp chúng ta giải quyết được 2 vấn đề lớn là kết nối người dân với cơ sở y tế, cán bộ y tế và chia sẻ những thông tin chính xác, kịp thời, các công việc thường nhật được dần điện tử hóa. Chủ nhà thuốc có thể giảm thiểu 50% - 70% thời gian quản lý kiểm đếm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu, mỗi giao dịch chỉ cần từ 30 giây đến 1 phút. Với cơ quan quản lý, 100% báo cáo các cấp được xóa bỏ, việc dự trù, lập kế hoạch, điều phối thuốc, quản lý số liệu được thực hiện theo thời gian thực từ bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào. Lợi ích rất lớn, nhưng trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn…
Hệ thống kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc do Viettel xây dựng bao gồm: hệ thống quản lý nhà thuốc; cơ sở dữ liệu dược quốc gia; cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân; cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả tới cơ quan quản lý. Theo đó, đối với nhà thuốc hệ thống giúp tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông những dữ liệu được yêu cầu lên hệ thống quản lý dược quốc gia; quản lý được chuỗi nhà thuốc; quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa; giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
Đối với Bộ Y tế, Sở Y tế, hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào một số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định…
Trước khi đưa vào vận hành chính thức, hệ thống được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh và đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia vào hệ thống, cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông kết nối hơn 22.000 đơn thuốc và đem lại kết quả tốt.
Theo Bộ Y tế, trên toàn quốc hiện có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 71,15% cơ sở có kết nối Internet, nhưng chỉ có gần 48% sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc của cơ sở với 23 phần mềm đang được sử dụng. Đến nay, Bộ Y tế cũng đã chuẩn hóa được 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế.