Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết toán các công trình dự án BOT, hoàn thành thực hiện phương án tài chính của hợp đồng BOT để làm cơ sở điều chỉnh mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và thời gian hoàn vốn; vì kể từ đầu năm 2017, khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thì phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đã chuyển sang cơ chế giá.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 70 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ (trong đó, 10 có trạm khoảng cách 60 - 70km, 20 trạm dưới 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT).
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh giảm hoặc đề xuất điều chỉnh giảm giá, phí trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, mức thu theo quy định cũ dựa trên hợp đồng BOT, nhưng nay dự án đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng thì thu theo cơ chế giá dịch vụ. Bộ Tài chính cho rằng, có một số trạm thu giá còn phát sinh bất cập như nằm ngoài phạm vi dự án (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phản ánh của người dân); do vậy, phải có phương án sắp xếp, dịch chuyển hoặc giảm giá dịch vụ của một số trạm, giảm bức xúc trong dân. Trước đây, phương thức thu phí chủ yếu là thu khi phương tiện qua trạm, dẫn đến bất hợp lý là chủ phương tiện phải trả chung mức phí không phân biệt quãng đường xe qua. Nay dịch vụ sử dụng đường bộ đã chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá (theo Thông tư 35/2016/TT-BGTVT) thì sẽ miễn, giảm giá cho chủ phương tiện gần một số trạm.
Kết quả, đến nay Bộ GTVT đã triển khai thực hiện giảm giá 38 trạm và vừa có văn bản chấp thuận giảm 20% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên quốc lộ 1 qua huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, mức giảm sẽ áp dụng từ ngày 1-11. Sắp tới, Bộ GTVT tiếp tục rà soát 54 dự án BOT với mức giảm phí dự kiến dao động 5% - 25%.
Sau khi rà soát, dự kiến khoảng 60% - 70% số trạm sẽ giảm giá vé. Người dân sống ở quanh trạm sẽ được miễn phí hoặc phí tính theo tháng, quý.