Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể (dự kiến hoàn thành trong tháng 12) và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương. Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước cũng như tiếp nhận vaccine tài trợ; bộ đã tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1 tài trợ, đã phân bổ cho các địa phương để tiêm cho trẻ trong tháng 9, 10.
Bên cạnh đó, Chính phủ Australia sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1, dự kiến vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 12.
Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương. Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024 kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccine. Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ trình cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trả lời quan điểm của Bộ Y tế liên quan đến chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết, sau 15 năm ban hành Luật BHYT, đến nay, gần 91 triệu người có BHYT với khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng đã gia tăng với 150,5 triệu lượt trong năm 2022. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng. Mỗi năm Quỹ BHYT chi trả khoảng 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc bất cập như quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính; thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực xin cho, giữ bệnh nhân lại… gây bức xúc trong dư luận.
Từ ngày 1-1-2016, việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã với phòng khám đa khoa của bệnh viện tuyến huyện và từ 1-1-2021, việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú cũng tạo một số vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh ở y tế cơ sở.
Do đó, để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ y học gia đình; nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã đối với một số bệnh mãn tính; cải thiện quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối cải cách các quy định chuyển tuyến…
Về giá điện, hiện Bộ Công thương đang xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang và rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Tuy nhiên, qua thực hiện biểu giá bậc thang đã biểu lộ bất cập, dùng nhiều trả nhiều cũng chưa phản ánh hết chi phí của người sử dụng và có ý kiến cho rằng nên xây dựng giá 2 thành phần. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển đều áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc với giá điện của bậc thang sau cao hơn so với bậc thang trước tương tự như Việt Nam đang tiến hành.
Về giá điện 2 thành phần, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng với các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, do đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong thời gian tới, căn cứ đặc điểm sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần với một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.
Về ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc, các hộ có mức sử dụng điện từ 710kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ là 6 bậc. Nhưng nhược điểm là tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Như vậy, tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện.
Về việc áp dụng giá giờ cao điểm, thấp điểm, Thứ trưởng cho biết, nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp điện giờ cao điểm.