Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được triển khai nghiên cứu trong hơn 18 năm, với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn quốc tế. Năm 2010, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Căn cứ Kết luận số 49 ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT đã tiếp tục nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về dự án, có tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Bộ GTVT cũng đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện hồ sơ dự án. Chỉ tính từ tháng 10-2023 đến nay, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của 24 bộ, ngành, các ban Đảng trung ương, các Ủy ban của Quốc hội… và cơ bản nhận được sự đồng thuận.
Đến nay, Chính phủ đã họp và thống nhất phương án đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới.
Tại kết luận về chủ trương đầu tư dự án ban hành ngày 18-9-2024, Bộ Chính trị xác định đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Bộ Chính trị cũng thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp tác triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Ngay sau đó, ngày 20-9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55 thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD. Suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Về tiến độ, căn cứ khả năng huy động nguồn lực và các giải pháp, chính sách đặc thù kèm theo, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Tiếp theo đó, dự án sẽ được đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027. Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49.
Bộ GTVT cũng kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công, từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc. Trong quá trình xây dựng và vận hành, Bộ GTVT sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại TP Hà Nội (tổ hợp ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TPHCM là Ga Thủ Thiêm. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.