Nhiều vi phạm
Theo kết quả thanh tra của Bộ Xây dựng, có 6 nhóm vi phạm liên quan tới phí bảo trì được ghi nhận, trong đó nổi bật là: chậm chuyển giao kinh phí bảo trì nhà chung cư; vi phạm trong việc quyết toán số liệu; chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư. Các chung cư bị điểm danh trong đợt thanh tra này là: Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) của liên danh Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam; chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) của Công ty cổ phần Hateco Hà Nội; chung cư Capital Land Hoàng Thành (quận Hà Đông, TP Hà Nội) của Công ty TNHH Đầu tư Capital Land Hoàng Thành; chung cư CT1, CT2A, CT2B, CT3 Gelexia Reverside (Yên Sở, quận Hoàng Mai) của Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh BĐS HTL…
Trong kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư chuyển trả cho các ban quản trị nhà chung cư 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư với tổng số tiền 820 triệu đồng do cố tình chây ỳ, “ôm quỹ”. Hàng loạt chủ đầu tư cũng bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.
Gắn trách nhiệm các tổ chức tín dụng
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 845 nhà chung cư thương mại được đưa vào sử dụng, thành lập 632 ban quản trị nhà chung cư nhưng mới có 399 chung cư bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại TPHCM. Theo một báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TPHCM có hơn 1.400 chung cư nhưng cũng chỉ có hơn 200 chủ đầu tư đã và đang thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), mặc dù vấn đề quỹ bảo trì chung cư đã được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 cùng các nghị định, thông tư nhưng tranh chấp vẫn kéo dài do hành lang pháp lý liên quan chưa đầy đủ; chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ giữa 3 bên, gồm chủ đầu tư, người dân và đơn vị quản lý trung lập.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, những bất cập này sẽ được khắc phục với Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Nhà ở vừa được ban hành. Trong đó, Nghị định 30 có sửa đổi, bổ sung Điều 37 về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp, ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày, UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản. Trong thời hạn 7 ngày, TCTD có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào thông tin do TCTD cung cấp, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho ban quản trị nhà chung cư. Trong trường hợp tài khoản không còn tiền hoặc còn tiền nhưng không đủ để bàn giao, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu TCTD cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản này.