Tuy nhiên, tuần qua nhiều doanh nhiệp cho biết đang có tin vui khi các dự án đang gần được “tháo khóa” để tiếp tục triển khai.
Theo đó, UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở ban ngành liên quan tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo. Gần như 124 dự án bất động sản này đang được chủ đầu tư triển khai dở dang phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh kiểm tra, điều tra nên thủ tục đang nằm rải rác ở nhiều sở ngành.
Được biết, trước đó Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hàng trăm dự án đang bị tạm ngưng triển khai để chờ rà soát, thanh tra nói trên. Thực tế việc thanh tra kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như lãi vay ngân hàng tăng, mất cơ hội kinh doanh… Không chỉ thế, tình trạng này kéo theo số lượng nhà ở đưa ra thị trường giảm đáng kể, không đáp ứng được nhu cầu thật của người tiêu dùng, tê liệt thị trường bất động sản, giảm thu ngân sách. Không chỉ thế, HoREA còn kiến nghị người đã có hợp đồng mua nhà ở những dự án này không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án và cần được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Được biết, trong hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” được tổ chức tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiệp hội này đã đề nghị công khai danh sách 124 dự án bất động sản được “tháo gỡ” để tiếp tục vận hành. Điều này nhằm giúp người tiêu dùng có niềm tin, chủ đầu tư yên tâm. “Chúng tôi cũng đề nghị lực lượng chức năng sớm có kết luận đối với hàng chục dự án bất động sản còn lại đang bị kiểm tra, thanh tra để các chủ đầu tư và khách hàng yên tâm”- ông Châu nói.
Đánh giá của các chuyên gia thị trường, năm 2019 thị trường bất động sản tại TPHCM tiếp tục gặp khó khăn bởi một dự án bị ngưng trệ thì sẽ lãi “chồng” lãi, chi phí quản lý tăng lên, cơ hội kinh doanh bị mất. Nguồn cung bất động sản trên thị trường sụt giảm là điều rõ ràng, cụ thể, trong 3 tháng đầu năm số dự án đã giảm khoảng 63% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường đang cần có nhiều quỹ đầu tư cho bất động sản, bởi hiện nay chỉ có duy nhất 1 quỹ đầu tư bất động sản trong nước là TCREIT. Thế nhưng, quỹ đầu tư bất động sản này chỉ có vỏn vẹn 50 tỷ đồng, như vậy là quá ít. Trong khi đó, nếu một quỹ đầu tư dành cho bất động sản thì ít nhất cũng phải có 500 tỷ đồng mới đáp ứng được phần nào nhu cầu về vốn. Chính vì vậy, chính quyền các cấp cũng cần tạo điều kiện để phát triển quỹ đầu tư bất động sản.