Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn sáng 8-3 |
Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm và nhu cầu giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Ông Tô Vạn Quang phát biểu tại diễn đàn |
Được mời tham gia diễn đàn, ông Tô Vạn Quang đến từ Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Đông Đằng (có trụ sở tại TP Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc), đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, trong năm 2023, công ty này có nhu cầu mua tới 35.000 tấn sầu riêng (trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn) và khoảng 120.000 tấn khoai lang tím, cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.
Trồng sầu riêng ở Cai Lậy (Tiền Giang) |
Từ diễn đàn này, đại diện Công ty Đông Đằng muốn được kết nối với các đơn vị, đối tác cung ứng nông sản từ Việt Nam.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác là Công ty xuất nhập khẩu Đồng Thái ở TP Đông Hưng, Trung Quốc lại đề xuất cơ quan chức năng của hai nước nên sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để cho phép thí điểm nhập khẩu chính ngạch sản phẩm sứa Việt Nam vào Trung Quốc. Doanh nghiệp này cho rằng có thể thí điểm gia công tại Đông Hưng.
Ông Tô Vạn Quang cũng cho biết, hiện tại, với sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp quốc doanh lớn ở Trung Quốc và các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng (Trung Quốc). Chính quyền TP Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 có diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Đồng thời kho lạnh giai đoạn 2 có diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản, cũng đã khởi công.
Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng sẽ là nơi các bên mua bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ tin tưởng lẫn nhau.
Chế biến thủy sản xuất khẩu |
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Trong đó, Quảng Tây là địa phương đứng thứ 3 ở Trung Quốc về khối lượng nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây, chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh này.
Từ tiềm năng này, đại diện VASEP đề nghị, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp để kết nối, đẩy mạnh xuất nhập khẩu thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP Móng Cái phối hợp với các đơn vị của phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức thêm một diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, chế biến và thị trường nông sản để Bộ NN-PTNT làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng hai nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.