Sẽ có tòa án chuyên biệt giải quyết tranh chấp tài chính quốc tế

Thảo luận tại hội trường sáng 19-5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với dự thảo và đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức tòa án trong giai đoạn mới.

Sẽ có tòa án chuyên biệt giải quyết tranh chấp tài chính quốc tế

Tăng hiệu quả xét xử, giảm tải cho tòa tối cao

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất, Tòa án nhân dân tối cao được thành lập một số tòa án phúc thẩm trực thuộc do việc này là cần thiết vì sẽ thay cho hội đồng thẩm phán xét xử những vụ án kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án cấp tỉnh chuyển lên.

"Mỗi năm, Tòa án nhân dân tối cao xét xử hàng ngàn vụ việc. Việc có tòa án phúc thẩm trực thuộc sẽ giảm gánh nặng cho tòa tối cao", ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và đề nghị tòa tối cao cần giao thêm những thẩm quyền trong xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cho các tòa phúc thẩm.

z6616114086704_088eb9d2c3664c4159f77ed4866b9aa6.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo đề xuất, tòa án cấp tỉnh có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo, kháng nghị. Với quy định này, ĐB Phạm Văn Hòa bày tỏ đồng tình và còn đề nghị nhiệm vụ của tòa án khu vực cần giảm thẩm quyền trong xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản và chuyển về cho tòa án cấp tỉnh.

Hoa.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) góp ý tại dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Đối với nội dung đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13-17 lên 23-27 người, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu đề xuất tòa phúc thẩm được xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thay cho hội đồng thẩm phán, thì số lượng thẩm phán không cần thiết phải nhiều như đề xuất. Còn nếu giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho hội đồng thẩm phán xét xử, việc đề xuất số lượng tăng 23-27 người là phù hợp.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, bày tỏ sự đồng tình khi có quy định giao thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm cho tòa án cấp tỉnh. Thực tiễn cho thấy, việc giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho tòa án tối cao như vừa qua có nhiều bất cập khi triển khai thực hiện.

"Việc sửa đổi lần này là phù hợp để tòa án cấp tỉnh tăng hiệu quả trong công tác giải quyết, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, kịp thời kháng nghị những bản án, quyết định của tòa án cấp khu vực có vi phạm pháp luật", ĐB Nguyễn Hữu Chính nêu quan điểm.

HUU CHÍNH.jpg
ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Hữu Chính kiến nghị bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho tòa án quân sự khu vực ở quân khu đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự khu vực, để đảm bảo tính thống nhất trong tòa án.

Đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt tại trung tâm tài chính quốc tế

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế. Theo ĐB, việc ấp ủ có trung tâm tài chính quốc tế - một bệ phóng quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng dài hạn - và đến nay đang trở thành hiện thực sau khi Bộ Chính trị thông qua chủ trương, định hướng cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và TP Đà Nẵng.

Thuy.jpg
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích, sự thành công của các trung tâm tài chính lớn nằm ở yếu tố niềm tin của các nhà đầu tư, niềm tin đó thông qua thể chế và pháp luật.

Với phân tích đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị bổ sung vào dự thảo, bên cạnh có Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án khu vực, có thêm tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế; kiến nghị những tiêu chuẩn có tính chất mở về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán tại trung tâm tài chính quốc tế; kiến nghị không nên quy định quá cụ thể về thẩm quyền của tòa án chuyên biệt…

z6616114008368_2dc516f3cefee3d05782fd5d5bc79cc5.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của ĐB, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Lê Minh Trí, cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu về số lượng, tiêu chí thành lập các tòa án chuyên trách như sở hữu trí tuệ, khoáng sản và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Đối với đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt, hiện các cấp thẩm quyền đã giao Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập tòa án chuyên biệt. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, đây là yêu cầu đổi mới cấp thiết từ thực tiễn.

"Đây là vấn đề lớn và rất mới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp thu về việc thành lập các tòa chuyên biệt. Chúng tôi sẽ thể hiện trong dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, có nghiên cứu, tổ chức học tập của quốc tế", ông Lê Minh Trí thông tin.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, trước khi xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng một đề án báo cáo Bộ Chính trị, đồng thời đã lấy ý kiến địa phương, các cấp, bộ, ngành để thông qua được bản dự thảo.

Tin cùng chuyên mục