Sẽ có sàn thương mại điện tử cho hàng Việt

Để phục vụ nhu cầu thúc đẩy giao dịch, mua sắm hàng hóa qua kênh thương mại điện tử của người dân, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) hợp nhất 63 tỉnh, thành. Từ đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT.

Theo đó, việc xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành (giai đoạn 1) sẽ hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc lựa chọn sản phẩm có trọng tâm của địa phương theo tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... để triển khai sự kiện truyền thông, quảng bá, thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến, tăng doanh số bán hàng.

Để việc tổ chức và thực hiện đề án được gắn kết đồng bộ với các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia của địa phương, mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số đã gửi văn bản đề nghị sở công thương 63 tỉnh, thành tham gia kết nối sàn TMĐT địa phương với sàn hợp nhất, đồng thời cử đầu mối phối hợp triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, việc sớm hình thành sàn TMĐT sẽ có tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro với rào cản thương mại dày đặc tại các thị trường. Ở khía cạnh khác, khi sàn TMĐT đi vào hoạt động, các doanh nghiệp có cơ hội tiệm cận hơn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu.

Khảo sát về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy, doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm 62%, trong khi đó sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%. Điều này cho thấy tình hình chung là phần lớn doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi và khả năng phát triển trong các quý tiếp theo là khá khó khăn.

Tin cùng chuyên mục