Sẽ có nhiều giải pháp để kiểm soát giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp để kiểm soát giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 28-10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, việc lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản, nhà ở xã hội là rất đúng thời điểm. Trong quá trình giám sát, nhiều vấn đề, tồn tại, yếu kém cùng các nguyên nhân, giải pháp đã được nhận diện rõ nét.

“Phần lớn các vấn đề này đã được giải quyết trong việc hoàn thiện các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản vừa qua”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay là các địa phương, bộ, ngành tổ chức thực hiện luật chưa sát, chưa nghiêm với tinh thần của Quốc hội, ban hành chưa đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn…

HT - HÀ.jpg
Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình với các ý kiến đã nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, đặc biệt là tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, cụ thể là số lượng nhà ở xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân đều có quyền có chỗ ở. Công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé.

Theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được quỹ nhà ở xã hội là rất cần thiết. Cùng với đó, từng địa phương cần xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó cân đối cả nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại.

“Chính phủ sẽ mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp để kiểm soát giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý.

HẢI .jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết thúc nội dung thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 1 ngày thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, đã có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và 9 lượt đại biểu tranh luận. Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ TN-MT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

“Giai đoạn 2015 - 2023, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt đất nước, đô thị và nông thôn; thị trường bất động sản đã tạo ra một khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội khái quát.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, những bất cập, hạn chế cũng đã được nhận diện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: “Qua thảo luận, Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chậm ban hành và chỉ đạo việc ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai và các luật có liên quan theo nghị quyết của Quốc hội”. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo đoàn giám sát và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết giám sát trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.

Tin cùng chuyên mục