Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW, nêu rõ: vùng trung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích trên 95.000km² (chiếm 28,75% của cả nước), dân số gần 12 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước), diện tích đất có rừng gần 5,4 triệu ha, chiếm khoảng 37% diện tích đất có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ là 54,02%, cao hơn nhiều mức bình quân chung toàn quốc (42%), 7/14 địa phương có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc.
Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông - lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Đồng chí Trần Tuấn Anh tham quan một số mô hình sản xuất sản phẩm OCOP từ rừng |
Tuy nhiên, đây cũng là nơi có nhiều địa phương thuộc diện khó khăn, chỉ 1/14 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên bình quân cả nước (Thái nguyên GRDP: 4.831USD/người/năm); 7/14 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm 10 tỉnh thấp nhất cả nước; tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với trên 30 dân tộc cùng sinh sống; hạ tầng phát triển còn chậm.
Những mặt còn hạn chế như: vẫn còn để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng tự nhiên. Kinh phí chi cho quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên hạn hẹp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước, thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích từ du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tiến độ sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, có nhiều vướng mắc.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị khu vực trung du và miền núi phía Bắc bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, nhất là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; giải quyết dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Các nội dung, ý kiến nêu ra tại hội nghị này sẽ được tiếp thu tối đa để sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 trên phạm vi cả nước và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới.