Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ được tái hiện trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu (đoạn đường, mặt sông từ ngã ba đường Bạch Đằng - Châu Thượng Văn).
Đây sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động thường xuyên như: Trưng bày mô hình Châu Ấn thuyền; tổ chức trưng bày tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học về giao thương, về mối quan hệ của Phố Nhật ở Hội An thế kỷ 17; trình diễn, dịch vụ trà đạo, trà xanh Nhật Bản; trưng bày bonsai Nhật Bản và Việt Nam; trò chơi trẻ em Việt Nam và Nhật Bản; trò chơi gấp giấy origami; dạy chế biến ẩm thực Hội An và Nhật Bản; trình diễn hoạt cảnh “Trang phục Hội An - Ký ức thời gian” và giới thiệu trang phục Nhật Bản; trình diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam và Nhật Bản; lớp học hát dân ca Việt Nam; trình diễn, dịch vụ thư pháp Việt Nam và Nhật Bản; dịch vụ xe cổ - mặc trang phục Nhật Bản (yukata, kimono) và xe cổ - mặc trang phục Việt Nam (áo dài, bà ba, vạt hò…); thả hoa đăng Nhật Bản và Việt Nam trên sông Hoài; hướng dẫn tham quan tour “Dấu xưa Nhật Bản”; không gian đọc và tủ sách Nhật Bản; giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Nhật Bản.
Đặc biệt từ năm 2019, thành phố Hội An cũng sẽ bố trí ngôi nhà số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai cho phía Nhật Bản làm “Nhà Văn hóa Nhật Bản” để tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, chiếu phim, chiếu clip các sự kiện giao lưu, không gian đọc, trà đạo….
Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, “Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” tuy không phải là một sự kiện APEC nhưng diễn ra trong thời điểm APEC. Việc khai trương không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản thời điểm này sẽ là một sự kiện nổi bật để trở thành một không gian giao lưu sinh hoạt văn hóa 2 dân tộc, về lâu dài cũng sẽ là một sản phẩm du lịch, nhất là tôn vinh mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước.
“Chúng ta tổ chức khai trương "Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản" bởi đây là việc làm cho mai sau, nhằm tôn vinh mối quan hệ, giao lưu văn hóa tốt đẹp của hai dân tộc”, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.