“Sẽ có hiện tượng đầu cơ. Họ trúng giá 200 triệu đồng, bán lại 2 tỷ đồng, đánh thuế thế nào?”, ĐB băn khoăn.
Đặc biệt, quan niệm thế nào là biển số “đẹp” để được chọn đem ra đấu giá là vấn đề được nhiều ĐB đề cập.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Một biển số có thể rất có ý nghĩa với người này, nhưng lại không hẳn là “đẹp” với người kia. Ngày tháng năm sinh của người thân chẳng hạn”. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề nghị phương án “tung” toàn bộ kho số lên mạng, tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận được biển số mong muốn và đăng ký tham gia đấu giá.
Bày tỏ quan điểm số trúng đấu giá là tài sản, ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng cần quy định theo hướng mở rộng thêm một số quyền cho người sở hữu biển số trúng đấu giá.
“Tại sao lại hạn chế quyền thừa kế biển số này (chỉ được thừa kế một lần – PV)? Quy định là trong 12 tháng buộc phải gắn vào xe do mình sở hữu, nếu không thì không được thừa kế. Thế nhưng lại cho người thừa kế được nhận lại tiền. Việc thừa kế xử lý theo di chúc hay theo quy định của pháp luật. Trường hợp người trúng đấu giá qua đời thì ai đứng ra nhận lại tiền này?” – ĐB nêu hàng loạt câu hỏi. Quy định về trường hợp có 1 người đấu giá cũng được ĐB cho là chưa rõ ràng, cần cụ thể hoá khái niệm “bước giá”.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận định, những tranh luận về vấn đề này là dễ hiểu, vì “chưa có trong luật”. Tuy nhiên, ĐB cũng nêu ra nhiều trường hợp chưa được quy định trong dự thảo.
Nữ ĐB đặt câu hỏi: “Đấu giá không thành mấy lần thì đưa vào kho số dùng chung?”. Có cùng thắc mắc với ĐB Dương Ngọc Hải về trường hợp trong 12 tháng sau khi trúng đấu giá mà người sở hữu biển số chưa đăng ký xe đã qua đời, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị quy định theo hướng tôn trọng di nguyện của người trúng đấu giá (được lựa chọn hoặc nhận lại tiền hoặc cho phép tiếp tục đăng ký xe bình thường).